Việc sửa Luật Di sản văn hóa đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thời gian qua. Mới đây, Bộ VHTTDL triển khai kế hoạch xây dựng Luật Di sản văn hóa sửa đổi, nhiều góp ý được nhắc lại, bổ sung. Điều đó cho thấy mối quan tâm thường trực với di sản văn hóa của dân tộc.
Khi di sản văn hóa đã gắn bó với đời sống văn hóa, xã hội, đã nối liền với tâm hồn, suy nghĩ của đông đảo người dân, đã có mặt trong nhiều phong tục, tập quán và đồng hành với nhiều sinh hoạt văn hóa, nghi lễ, hội hè. Đặc biệt, khi mà di sản văn hóa trong những năm qua, lại đang bị lung lay, bị đe dọa, bị xâm lấn, thậm chí bị tàn phá, bị lợi dụng cho những mục đích phi văn hóa.
Nhìn từ cả hai góc độ về ý thức tôn vinh, tình cảm gắn bó, trân trọng đầy tích cực đó, lẫn thực trạng mang màu sắc tiêu cực liên quan đến di sản văn hóa, càng thấy tính thời sự của mối quan tâm đến việc củng cố, hoàn thiện hơn Luật Di sản văn hóa và ước mong áp dụng hiệu quả trong hiện tại, tương lai nhằm bảo vệ, phát huy tốt nhất các di sản văn hóa.
Nổi lên nhiều câu chuyện liên quan đến di sản văn hóa thời gian qua, có vấn đề hồi hương cổ vật, bảo vật quý giá của đất nước; có thực trạng tiếp tục mất cắp tượng thiêng, chuông quý, sắc phong, đồ thờ có giá trị mỹ thuật, lịch sử tại nhiều đình, chùa; và vẫn có tình trạng tu bổ sai lệch, làm biến dạng, “mới hóa”, giảm giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật lâu đời của di tích…
Chính vì thế, đã có nhiều góp ý, gợi mở việc điều chỉnh, bổ sung cho Luật Di sản văn hóa về những vấn đề này. Như cần có cơ chế phù hợp trong việc hợp tác quốc tế, khuyến khích tổ chức, cá nhân ở nước ngoài góp sức vào việc đưa các cổ vật quý về Việt Nam; tăng tính răn đe trong quy định của luật nhằm phòng, chống, xử lý nghiêm khắc các hành vi trộm cắp cổ vật, xâm phạm di tích, danh lam thắng cảnh; rồi đề cao vai trò và quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương, cơ quan chức năng liên quan trong việc bảo vệ di tích, di sản cũng như xử lý khi xảy ra những vụ việc bị mất, bị hỏng, bị biến dạng, bị tàn phá đối với di tích, di sản…
Đây đều là những hiến kế hữu ích mà ngành văn hóa, cơ quan chức năng xây dựng, soạn thảo các nội dung luật rất cần tranh thủ, đón nhận và văn bản hóa nhằm áp dụng, triển khai rộng rãi sau này.
Một số những tồn tại khác trong việc chăm sóc, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, cũng rất cần được lưu tâm để có những bổ sung thiết thực vào Luật Di sản văn hóa.
Trong đó, cần nhìn vào nhiều sai sót, sai lệch, mất mát trong không ít cuộc trùng tu di tích để thấy sự nguy hại của nguyên nhân thiếu kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm trùng tu, thậm chí còn “có vấn đề” về mặt đạo đức. Điều rất đáng băn khoăn lâu nay liên quan trực tiếp, thiết thân đến hoạt động tu bổ di tích là sự thiếu hụt trong công tác đào tạo mang tính chuyên nghiệp, chính quy.
Thực tế, ở nhiều trường đại học có các lĩnh vực thực hành và nghiên cứu về xây dựng, kiến trúc, mỹ thuật, văn hóa, lịch sử; trong đời sống kinh tế - xã hội có các làng nghề thủ công truyền thống, có nhiều nghệ nhân, thợ lành nghề về điêu khắc chất liệu gỗ, đá, kim loại, tạc tượng, làm đồ thờ, vẽ tranh, làm giấy…
Tuy nhiên, một ngành đào tạo về tu bổ, tôn tạo di tích thì vẫn là dấu hỏi dành cho các cơ quan chủ quản ngành văn hóa, ngành giáo dục. Trong khi lượng di tích lâu năm phân bố dày đặc ở khắp các vùng nông thôn, đô thị có đến hàng nghìn, hàng vạn, luôn đứng trước nguy cơ bị mai một do thời tiết, bị tác động từ guồng quay đô thị hóa. Và như trên đã nói, đang chịu nhiều hệ lụy từ việc làm sai, làm ẩu, làm hỏng trong trùng tu, tôn tạo.
Luật Di sản văn hóa sửa đổi cần chú trọng bổ khuyết "vùng trống" này. Cụ thể là thúc đẩy việc xây dựng ngành học về tu bổ di tích, phục hồi di sản gồm cả lý thuyết và thực hành; cũng như chú trọng bồi bổ, nâng cao tay nghề, bồi đắp kinh nghiệm cho đội ngũ nhân lực làm công tác “cứu chữa, chăm sóc” các di tích, di vật; đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ chuyên môn, kinh nghiệm của nước ngoài cùng thành tựu khoa học, công nghệ vào lĩnh vực này.
Một lỗ hổng cũng nhìn thấy ngay trong thực trạng bảo vệ di sản, di vật, cổ vật… ở các địa phương, địa bàn là nhiều nơi còn rất thiếu thốn, sơ sài, thậm chí sai lệch. Không được bảo vệ tốt, canh giữ nghiêm ngặt, di vật, cổ vật giàu giá trị như “miếng mồi ngon” bày ra trước mắt những kẻ hám lợi.
Luật Di sản văn hóa hiện hành cũng mới quy định chung về trách nhiệm phải bảo vệ, giữ gìn. Còn trong thực tế, việc bảo vệ, bảo quản, canh chừng, giám sát tốt hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện nhân lực, kinh phí ở cơ sở. Và các điều kiện này, thì lại rất… “hẻo” từ việc đầu tư thiết bị giám sát, bảo vệ, điều kiện bảo quản, hay các khoản bồi dưỡng, thù lao cho những người trông nom, cho đến cả yếu tố kỹ năng, nghiệp vụ của họ.
Và như vậy, việc dựa vào các ban quản lý di tích ở cơ sở, dựa vào các cán bộ văn hóa ở địa phương, địa bàn hay tận dụng sự tham gia mang tính tự nguyện, không có gì ràng buộc của người dân sở tại đang là một bất cập lớn trong việc trông nom, bảo vệ những công trình hàng trăm năm tuổi với những hiện vật quý giá có tuổi thọ tương đương.
Đặt trong bối cảnh hiện nay, yếu tố an ninh, sự nghiêm ngặt, chặt chẽ và quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan chức năng địa phương là những vấn đề rất cần củng cố. Luật Di sản văn hóa cần có thêm các nội dung này nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ và trách nhiệm bảo vệ, bảo quản của các địa phương đối với di sản, hiện vật ở những di tích trên địa bàn.
Những vấn đề cần bổ khuyết trên đối với Luật Di sản văn hóa, lại có quan hệ nhất định đến một thực tế nữa đang được quan tâm hiện nay, mà Luật Di sản văn hóa thời gian qua có đề cập đến nhưng cần được làm sâu sắc hơn nữa. Đó là việc phát huy giá trị di sản vào phục vụ xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, khi văn hóa đang được Đảng, Nhà nước đề cao hơn, định hướng khai thác hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, và xã hội cũng đang chú ý hơn đến vấn đề này. Cụ thể như sự phát triển của các mô hình du lịch di sản, du lịch văn hóa; các mô hình giáo dục kết nối nhà trường, học sinh với di sản, di tích; phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở có chú trọng đến yếu tố phát huy giá trị di sản địa phương, gồm cả di sản vật thể và di sản phi vật thể…
Như vậy, trong xu thế thuận lợi hơn đối với văn hóa, với di sản này, thì việc trang bị, hoàn thiện các điều kiện nhân sự, thiết bị, phương tiện nhằm phục vụ tốt cho việc tuyên truyền, quảng bá về di sản cần được Luật Di sản văn hóa bổ sung. Hơn thế nữa, là các nội dung bắt nhịp với xu thế như khuyến khích các tỉnh, thành phố, địa phương tích cực nghiên cứu, phát triển các mô hình du lịch văn hóa, du lịch di sản, các hoạt động giáo dục di sản.
Thậm chí, từ địa phương, việc bảo tồn di sản và phát huy truyền thống địa phương, thì Luật Di sản văn hóa cần quy định thêm về nhiệm vụ của các đơn vị quản lý văn hóa từ tỉnh đến huyện, xã trong việc xây dựng, triển khai các mô hình, hoạt động này.
Đó sẽ là cơ sở quan trọng cho việc phát triển các chính sách, cơ chế của địa phương trong việc đưa người dân đến gần hơn với di sản, làm sâu sắc hơn mối quan tâm, sự hiểu biết và ý thức tôn vinh, gìn giữ của người dân, nhất là thế hệ trẻ đối với di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh của địa phương, quê hương mình.
Chủ trương đúng đắn và khoa học bổ sung, hoàn thiện hơn nữa Luật Di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay, cần được phát huy, cụ thể hóa thành những nội dung bám sát vào thực tiễn.
Hơn thế nữa, là trở thành cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phát huy trách nhiệm, sáng tạo của ngành văn hóa và các cơ quan chức năng liên quan vào việc bảo vệ, phổ biến, lan tỏa giá trị di sản; đồng thời định hướng, cổ vũ xã hội, hướng dẫn quần chúng nhân dân tôn vinh, bảo vệ di sản tích cực và hiệu quả.
Rộng hơn, cũng chính là khai thác tiềm năng dồi dào, vận dụng các giá trị trường tồn của di sản vào phục vụ đời sống, đem lại các giá trị về kinh tế, văn hóa, xã hội, giúp cho con người chung sống hài hòa trong một đời sống văn minh, hiện đại biết trân trọng các giá trị văn hóa, lịch sử mà xưa nay bao thế hệ đã cùng gây dựng.