Ngày 9/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người dân tại các trạm y tế xã trên địa bàn Thủ đô. Sau khi thị sát tại Trạm y tế phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc làm việc với các bộ, ngành và UBND thành phố Hà Nội về việc phát triển y tế trên địa bàn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với cán bộ Trạm Y tế phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm.
Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng về số lượng người dân đến khám, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tây Mỗ Trần Thị Hoa cho biết hiện chỉ có khoảng 10% số trường hợp người dân chủ động đến khám sức khỏe tại Trạm khi chưa có bệnh. Trạm mới lập hồ sơ sức khỏe cho khoảng 6.000 người dân.
“Nếu có nguồn kinh phí trích từ nguồn thu BHYT trên địa bàn thì các đồng chí có làm được tốt hơn không?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi. Bác sĩ Trần Thị Hoa cho biết: “Ngoài nhân lực hiện tại, trạm còn có mạng lưới cộng tác viên đến từng tổ dân phố và cùng với sự hỗ trợ hỗ trợ trực tiếp từ Trung tâm Y tế quận nên việc lập sổ quản lý sức khỏe cho từng người dân hoàn toàn có thể thực hiện được”.
Phó Thủ tướng gợi ý: Các đồng chí tính thử với 24.000 người dân thì nguồn thu BHYT ở một phường như Tây Mỗ là hơn 15 tỷ đồng. Nếu chỉ dành 10% nguồn kinh phí BHYT cho trạm y tế thì người dân hoàn toàn có thể được khám định kỳ, có hồ sơ quản lý sức khỏe, được tư vấn sức khỏe, định hướng chuyển tuyến khi có bệnh… không còn cảnh có bệnh mới đi khám.
Từ đó khắc phục tình trạng nhiều trạm y tế xã/phường được đầu tư rất khang trang nhưng cán bộ y tế có ít việc để làm, thu nhập thấp mà trình độ chuyên môn cũng ít nhiều đi xuống.
“Hiện nay trong 10 người có thẻ BHYT nhưng chỉ có khoảng 4 người sử dụng thẻ để đi khám ở y tế cơ sở. Rất nhiều người dân đi khám bệnh khi bệnh nặng rồi chứ không bao giờ chưa có bệnh mà đi kiểm tra sức khỏe.
Vì vậy, lập được sổ quản lý sức khỏe, khám định kỳ cho người dân không chỉ đúng về mặt khoa học y tế, mà có thể nói đây là mơ ước của tất cả mọi người dân, của tuyệt đại đa số cán bộ ngành y tế, ngành bảo hiểm và thể hiện rất rõ định hướng xã hội chủ nghĩa đó là làm sao chúng ta quản lý, chăm sóc được sức khỏe ban đầu cho tất cả người dân Việt Nam”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội, Phó Thủ tướng cho biết đã trực tiếp khảo sát việc triển khai thí điểm việc lập sổ quản lý sức khỏe điện tử cho từng người dân tại một tỉnh đồng bằng là Bắc Ninh, một tỉnh trung du miền núi là Phú Thọ cũng đang triển khai thí điểm. Và hôm nay khảo sát tại địa bàn một thành phố lớn như Hà Nội với những đặc thù rất cụ thể.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua Hà Nội đã triển khai thí điểm việc khám sàng lọc, theo dõi, quản lý sức khỏe một số bệnh mạn tính tại trạm y tế; bước đầu kết nối toàn bộ các trạm y tế, cơ sở y tế, lập cơ sở dữ liệu dân cư trên địa bàn…
“Trong 5 năm vừa qua, bình quân 1 trạm y tế ở Hà Nội được đầu tư 11,2 tỷ đồng nên cơ sở vật chất, trang thiết bị được bảo đảm. Chúng tôi đã thí điểm ở Sóc Sơn về theo dõi sức khỏe cho người bị bệnh mạn tính rất tốt. Với 42 cơ sở y tế công lập, trên 5.000 bác sĩ, Hà Nội hoàn toàn có thể lập các tổ khám, bổ sung thiết bị máy móc để khám sức khỏe định kỳ cho người dân theo hình thức cuốn chiếu tại tất cả các quận, huyện”, ông Chung khẳng định.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền thông tin thêm, Thành phố sẽ triển khai việc lập sổ, khám bệnh lần đầu cho tất cả người dân ở các quận, huyện tại các trạm y tế xã, phường.
Các bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trên sẽ được huy động hỗ trợ. Trung bình, một ngày ở một trạm sẽ khám được từ 300-500 người. Hà Nội cam kết sẽ hoàn thành việc lập sổ theo dõi sức khoẻ của tất cả người dân trong tháng 9 tới đây.
Phó Thủ tướng lưu ý việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân là của ngành y tế và bảo hiểm còn đối với người dân quan trọng nhất là được khám, tư vấn sức khỏe, phát hiện bệnh sớm, được giới thiệu chuyển tuyến, bác sĩ phù hợp… Làm được như vậy, trạm y tế xã/phường đã thực hiện đầy đủ chức năng của y học gia đình.