Những vi phạm trong các vụ đấu giá đất đai, hay việc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á cung ứng kit xét nghiệm cho các CDC và các cơ sở y tế khác ở 62 tỉnh, thành trên cả nước đã cho thấy những kẽ hở trong công tác đấu giá, đấu thầu. Nếu không ngăn chặn kịp thời, đây sẽ là mảnh đất “màu mỡ” cho tham nhũng. Theo ông Bùi Đức Thụ, ĐBQH khóa XIII, cần rà soát lại các quy định về đấu giá, đấu thầu để hoàn thiện khung pháp lý, chặn tiêu cực.
PV:Thưa ông, mới đây cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố lãnh đạo và nhân viên Công ty Việt Á để làm rõ hành vi nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19. Vậy theo ông, việc Công ty Việt Á cung cấp kit xét nghiệm tại 62 địa phương trên cả nước có điều gì bất thường?
Ông Bùi Đức Thụ: Công ty Việt Á cung cấp kit xét nghiệm cho hơn 60 tỉnh, thành trên cả nước về nguyên tắc phải thông qua đấu thầu rộng rãi và công khai. Tuy nhiên, việc đấu thầu diễn ra trong bối cảnh đặc biệt là dịch bệnh, đòi hỏi tính khẩn cấp trong đấu giá là cần mua nhanh, mua với số lượng lớn để đáp ứng vấn đề xét nghiệm. Các tỉnh là đầu mối trong mua sắm, nhưng mỗi tỉnh có mỗi CDC đấu thầu nên không phải là giá cạnh tranh. Một anh mua thì giá hình thành dễ bị thao túng.
Như trong trường hợp này, giá kit xét nghiệm được mua cao hơn rất nhiều so với chi phí tạo thành. Đây chính là “siêu lợi nhuận” cho Công ty Việt Á. Vì kit xét nghiệm không nằm trong danh mục mặt hàng nhà nước quản lý giá, do dó người mua là các CDC và người bán là Công ty Việt Á đã “thỏa thuận” với nhau, và Công ty Việt Á là độc quyền bán. Vì vậy người mua và người bán thỏa thuận để nâng khống giá lên “đôi bên cùng có lợi”, bòn rút tiền ngân sách nhà nước. Công ty Việt Á sẵn sàng chi tới 20% cho người mua. Và nghịch lý là người bán thay vì giảm giá để bán thì lại tăng giá bán để phần tỷ lệ ăn chia được nhiều hơn. Đây cũng là một sơ hở trong cơ chế hiện nay.
Theo ông trách nhiệm trong việc này sẽ thuộc về cơ quan, tổ chức nào?
- Luật Giá đã quy định rõ giá các mặt hàng nhà nước quản lý. Trong trường hợp nâng giá phải có cơ quan thẩm định giá chấp thuận. Tuy nhiên kit xét nghiệm không thuộc danh mục mặt hàng nhà nước quản lý giá.
Hiện vụ việc đã được cơ quan điều tra khởi tố và điều tra. Tới đây cơ quan Công an sẽ làm rõ mọi vấn đề về tài chính; nâng giá cao bao nhiêu so với thị trường? phần lợi nhuận thu được ăn chia như thế nào? Chế độ trách nhiệm và sơ hở của cơ chế. Với cơ chế đó trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện có sai phạm gì? trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào? Trên cơ sở đó chúng ta hình sự hóa, xét xử đúng người đúng tội, thu hồi tài sản nhà nước. Nhưng không chỉ kit xét nghiệm mà qua việc mua kit xét nghiệm với giá “vô lý” mà còn xem xét việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nói chung và trong lĩnh vực y tế nói riêng.
Lâu nay chúng ta hay nói việc đấu giá, đấu thầu đang có kẽ hở. Nhưng tại sao chưa khắc phục được thưa ông?
- Trước tiên Công ty Việt Á làm được như vậy là do được cơ quan nhà nước công nhận cấp phép nên kit xét nghiệm đó mới bán được. Để được công nhận, cấp phép thì công ty này đã đưa ra thông tin như được các cơ quan quốc tế, WHO đã công nhận. Tuy nhiên, thực tế thì WHO không công nhận, cho rằng kit xét nghiệm này là không đủ điều kiện. Theo tôi cơ quan điều tra cần làm rõ vấn đề này. Bởi nếu WHO không công nhận mà cơ quan nhà nước lại thông tin là kit đó đủ điều kiện, được lưu hành thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Nhất là chỉ mình Việt Á sản xuất kit nên gần như công ty được độc quyền cung và độc quyền bán. Từ đó các tỉnh mua kit của Công ty Việt Á. Đây mới là cái gốc của vấn đề và cần rà soát lại vấn đề.
Còn thực tế trong đấu giá, đấu thầu thì hiện đang có vấn đề. Đấu giá đang bị thao túng bởi “quân xanh quân đỏ”. Nhưng đây không phải lỗi của luật mà do quá trình tổ chức thực hiện. Trường hợp nâng cao giá lên như kit xét nghiệm của Việt Á là do quản lý và chúng ta cần xem xét, rà soát lại. Ngay vừa qua tăng giá không chỉ mỗi kit xét nghiệm mà còn toàn bộ vật tư y tế, máy móc thiết bị và vừa qua đã khởi tố một loạt các lãnh đạo vi phạm tại một số bệnh viện.
Ngay trong đấu thầu cũng vậy. Dù đấu thầu rộng rãi, công khai nhưng có giá phản ánh đúng giá thị trường hay không thì chưa chắc. Tôi nói ví dụ phố nhỏ ở quận Cầu Giấy, đấu thầu 1 mảnh đất 50 m2 mà gần 400 triệu/1 m2. Một giá không tưởng. Hay đấu giá đất ở Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) lên đến 2,4 tỷ/1 m2. Đó là giá phi thực tế.
Như vậy đã đến lúc cần rà soát về mặt cơ chế để lấp những kẽ hở trong đấu giá, đấu thầu, thưa ông?
- Vi phạm trong đấu giá còn gây ra những hệ lụy rất lớn, nhất là trong vấn đề bất động sản. Ví dụ đấu giá 2,4 tỷ đồng/1 m2 đất ở Thủ Thiêm thì cũng làm các mảnh lân cận xung quanh đó cũng tăng lên, phải hơn 2 tỷ đồng/1 m2. Từ đó dẫn đến việc đầu cơ “ôm” nhiều đất, kích động thị trường, nhiều người đổ xô đi mua. Từ đó nâng giá đất lên phi thực tế. Đơn cử trước đây đất giá trị chỉ 1, nếu đi vay ngân hàng thì cho vay tối đa 80% giá trị đất. Nhưng giờ giá đất tăng 5, thậm chí nhiều lần thì tự nhiên 80% được vay của giá đất mới được đẩy lên rất nhiều. Như thế khả năng tín dụng đổ vào kênh bất động sản rất lớn, dẫn đến bong bóng thị trường bất động sản, gây rủi ro lớn đối với hoạt động thị trường và tổng thể nền kinh tế.
Do đó chúng ta cần rà soát lại Luật Đấu thầu, các quy định về đấu giá để quản lý giá cả theo đúng giá trị của nó. Phải lấy sự ổn định của thị trường, kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu để ổn định sản xuất kinh doanh, và đời sống của người dân. Cho nên theo tôi cần phải rà soát lại các quy định về đấu giá, đấu thầu để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho đồng bộ.
Trân trọng cảm ơn ông!