Dù ra quân đồng loạt, trong đó các đội quản lý trật tự đô thị quận, huyện và TP Thủ Đức đã mạnh tay xử phạt hành chính nhiều trường hợp vi phạm như quán nhậu, cửa hàng kinh doanh..., thế nhưng tình trạng lấn chiếm không gian vỉa hè, lề đường vẫn tái diễn thường xuyên.
Tái diễn lấn chiếm vỉa hè
Tại công viên khu dân cư Mười Mẫu (phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, TPHCM), tình trạng hàng quán kinh doanh ăn uống, xe đẩy dạo lấn chiếm vỉa hè, lấn chiếm hành lang công viên làm nơi buôn bán diễn ra từ nhiều năm qua.
Anh Nguyễn Văn Thanh (31 tuổi, tạm trú khu phố 4, phường Bình Trưng Đông) làm nghề xe ôm ở khu vực này, cho biết, do công viên nằm ở nội khu giữa đường 46 và 49 Khu dân cư Bình Trưng Đông nên các đội quản lý trật tự đô thị của phường ít khi kiểm tra. “Khi thấy lực lượng chức năng, nhiều người đẩy xe đi chỗ khác để tránh bị xử phạt. Sau đó họ quay lại buôn bán như thường” - anh Thanh nói.
Ngoài công viên, khu vực cổng bệnh viện, chợ truyền thống là những “điểm đen” lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn TPHCM suốt nhiều năm qua nhưng chưa thể xử lý dứt điểm. Điển hình khu vực vỉa hè đường Nguyễn Du (đoạn trước Bệnh viện Nhi Đồng 2, quận 1) có vỉa hè chỉ rộng khoảng 5,5m nhưng vừa bị lấn chiếm bởi các hàng quán kinh doanh ăn uống, vừa bị chiếm dụng làm bãi giữ xe tự phát. Tương tự, vỉa hè trước Bệnh viện Hùng Vương (quận 5, TPHCM) cũng bị lấn chiếm làm bãi giữ xe... Do vỉa hè không còn khoảng trống nên người đi bộ thường xuyên phải di chuyển đi xuống lòng đường khi qua những khu vực này. Đó cũng là tình trạng chung ở nhiều bệnh viện trên địa bàn TPHCM.
Mặc dù Đội quản lý trật tự đô thị địa phương thường xuyên kiểm tra, yêu cầu trả lại hành lang vỉa hè nhưng đến nay vẫn tái diễn tình trạng lấn chiếm. Theo một cán bộ trật tự đô thị, việc cấp phép cho các tổ chức trông giữ xe trên vỉa hè hiện nay chỉ được thực hiện tạm thời trên các tuyến đường thuộc danh mục được UBND TPHCM ban hành (quyết định số 699), tuy nhiên vẫn phải đảm bảo dành tối thiểu 1,5m phần vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ. Dù vậy, ở nhiều khu vực bệnh viện đều bị lấn chiếm toàn bộ không gian này, nhưng cũng chưa được xử lý dứt điểm.
Cần làm rõ trách nhiệm
Trước tình trạng tái diễn lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường diễn ra tràn lan ở nhiều nơi, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM đã có văn bản yêu cầu các bệnh viện phối hợp với UBND các phường để trả lại phần vỉa hè cho người đi bộ.
Ngoài ra, Sở GTVT TPHCM cũng đề nghị UBND các quận tập trung chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức tháo dỡ ngay các hàng rào bố trí trên vỉa hè gây cản trở người đi bộ, người khuyết tật lưu thông.
Đối với các bãi giữ xe tạm theo quyết định 699 của UBND TPHCM phải tuân thủ đúng việc đảm bảo dành tối thiểu 1,5m phần vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ.
Thượng tá Lê Thị Liên Hồng - Phó Giám đốc Công an TP Thủ Đức cho biết, sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm trật tự lòng lề đường, không để xảy ra tình trạng bao che. Chỉ tính riêng trong quý 1 năm nay, đã xử phạt hơn 500 trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, nộp ngân sách gần 4 tỷ đồng.
Đây không phải lần đầu tiên Sở GTVT TPHCM, các quận, huyện và TP Thủ Đức thể hiện quyết tâm "đòi" lại vỉa hè đang bị lấn chiếm làm bãi đậu xe. Năm 2022, Sở này từng phối hợp với các Đội quản lý trật tự đô thị nhiều quận trung tâm và TP Thủ Đức chỉ đạo tháo dỡ các hàng rào bố trí trên vỉa hè làm bãi đậu đỗ xe gây cản trở hành lang của người đi bộ, người khuyết tật. Bên cạnh đó, một số quận cũng hoàn trả vỉa hè theo nguyên trạng và gắn biển cảnh báo xử phạt theo quy định pháp luật. Dù vậy, nạn lấn chiếm vỉa hè làm quán nhậu, hàng kinh doanh ăn uống hoặc bãi trông giữ xe tự phát vẫn tái diễn cho đến nay.
Hiện nay, UBND TPHCM cũng đã giao Sở GTVT, Ban An toàn giao thông thành phố tổ chức lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan về xác định trách nhiệm, hành vi và mức độ nghiêm trọng của các hành vi vi phạm về sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè để tìm giải pháp xử lý dứt điểm vấn nạn này.
Để ngăn chặn triệt để, lập lại trật tự vỉa hè, lề đường, UBND TPHCM đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành và UBND quận, huyện và TP Thủ Đức về việc xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu nếu để xảy ra hành vi vi phạm quy định pháp luật về sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè không đảm bảo an toàn giao thông, dẫn đến tai nạn.