TS Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh vừa được Hội đồng luật sư toàn quốc bầu giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Luật sư (LĐLS) Việt Nam nhiệm kỳ II. Trao đổi với Đại Đoàn Kết trên cương vị mới, LS Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng: Những thách thức đối với bản thân ông, với LĐLS Việt Nam và giới luật sư cả nước trong việc góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Ông Đỗ Ngọc Thịnh.
PV: Thưa ông, là một tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, LĐLS Việt Nam đã tham gia với Mặt trận những hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của công dân như thế nào?
Chủ tịch LĐLS VN Đỗ Ngọc Thịnh: Chúng ta biết rằng: Từ năm 2015, Mặt trận và LĐLS Việt Nam đã thực hiện Chương trình phối hợp số 01/CTPH/MTTQ-TTCP-BTP-HLG - LĐLS ngày 11/11/2014 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh Tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết, khiếu nại, tố cáo ở cơ sở.
Đây là một trong những chương trình phối hợp mà vai trò của luật sư được thể hiện rất rõ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và công dân. Tham gia chương trình này, các luật sư đã kiên nhẫn lắng nghe người dân để hiểu được bản chất vụ việc, tư vấn thấu tình đạt lý.
Việc tiếp xúc với công dân, đặc biệt là những người đang có vụ việc bức xúc cần giải quyết nên thường là những vụ việc rất phức tạp, đòi hỏi các luật sư phải đặt mình vào người dân, nghiên cứu kỹ, lắng nghe nhân dân trên cơ sở pháp luật để giúp đỡ nhân dân. Các luật sư phải nâng cao trách nhiệm và uy tín, thực hiện tốt quy chế tiếp công dân, đồng thời cần đầu tư thời gian và công sức một cách hợp lý đảm bảo cho việc tiếp công dân đạt hiệu quả cao.
Trong năm 2015 và đầu 2016, các cơ quan đã thực hiện hai đợt để luật sư, luật gia tham gia tư vấn pháp lý cho công dân đến khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương số 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội. Kết quả, cả hai đợt đã có hơn 1.000 lượt người dân được 166 luật sư tư vấn pháp luật, tuyên truyền giải thích pháp luật.
Qua hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, nhiều người dân đã tự nguyện về quê không tiếp tục khiếu kiện. Cũng thông qua hoạt động này, các luật sư đã phát hiện một số việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền chưa phù hợp với pháp luật; hướng dẫn người dân có thể kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Các luật sư cũng khuyên giải người dân khiếu kiện luôn phải tuân thủ các quy định pháp luật…
- Được biết, LĐLS Việt Nam cũng chủ trì Chương trình phối hợp giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở.
Vâng, chương trình giám sát này cũng thuộc kế hoạch phối hợp liên ngành mà tôi đã đề cập trên đây. Liên đoàn LS Việt Nam được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giao chủ trì giám sát liên ngành việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở năm 2015.
Trong đó, có chương trình giám sát việc giải quyết khiếu nại về việc thi hành án của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh đối với các công dân Trần Thị Dung, Trần Thị Lan, Trần Thị Lợi trú tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh
Đoàn giám sát triển khai từ ngày 20-7-2015 đến ngày 23-7-2015, kết thúc giám sát đoàn giám sát đã có báo cáo và những kiến nghị cụ thể gửi Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để xem xét kiến nghị đối với các địa phương và các ngành liên quan với các nội dung chủ yếu như sau:
Bản án qua hai cấp xét xử thấu lý, đạt tình, đã có hiệu lực pháp luật hơn 15 năm nhưng không được các cơ quan hữu quan của tỉnh Tây Ninh tổ chức thi hành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của công dân. Nguyên nhân của sự chậm trễ chủ yếu là do sự phối hợp không tốt giữa cơ quan và chính quyền các cấp liên quan của tỉnh. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cán bộ chính quyền, đoàn thể ở cơ sở về bản án không đầy đủ nên thiếu sự ủng hộ cơ quan chức năng trong việc thi hành án.
Kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các cơ quan hữu quan phối hợp với Cục thi hành án tỉnh Tây Ninh khẩn trương thi hành bản án để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Hay như việc LĐLS Việt Nam được Mặt trận giao chủ trì việc giám sát vụ án Bàn Văn Thái cùng 4 người khác ở Tuyên Quang.
Sau đợt giám sát hồi tháng 8/2015, Đoàn Giám sát do LĐLS Việt Nam được giao chủ trì đã phát hiện một số thiếu sót, sai phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hàm Yên và tỉnh Tuyên Quang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử 5 bị cáo, từ đó Đoàn kiến nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có ý kiến để đề nghị các cơ quan Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Công an tỉnh Tuyên Quang và Công an huyện Hàm Yên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang và Viện kiểm sát nhân dân huyện Hàm Yên, Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang rút kinh nghiệm, kiểm điểm những thiếu sót, vi phạm trong quá trình tiến hành tố tụng; đồng thời đề nghị Bộ Tư pháp, Hội luật gia Việt Nam, Liên Đoàn luật sư Việt Nam có ý kiến chỉ đạo Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang, Hội luật gia tỉnh Tuyên Quang, Đoàn luật sư tỉnh Tuyên Quang quán triệt, chỉ đạo các thành viên chủ động, tích cực tham gia vào hoạt động bào chữa trong trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa theo quy định pháp luật.
- Được biết lần này ông được giới thiệu ứng cử ĐBQH, để đại diện cho tổ chức thành viên của Mặt trận là LĐLS Việt Nam. Ông cảm thấy thế nào?
Trên cương vị là Chủ tịch Liên đoàn Luật sư, đại diện cho hơn 10.000 luật sư cả nước, tôi cho rằng, việc được giới thiệu ra ứng cử ĐBQH khóa XIV là một niềm vinh dự lớn lao. Cũng như nhiều luật sư khác trên cả nước ứng cử ĐBQH và Đại biểu HĐND kỳ này, khi được giới thiệu ứng cử, tôi càng cảm thấy trách nhiệm phải lắng nghe, thấu hiểu nhu cầu pháp lý của xã hội, tâm tư và nguyện vọng của người dân nhiều hơn.
Tôi cho rằng: Để hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo và những đối tượng dễ bị tổn thương khác, các luật sư, dù ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND hay không, thì cũng phải tự mình hoặc phối hợp cùng với các cơ quan khác, chẳng hạn như Mặt trận để cung cấp những dịch vụ pháp lý tốt nhất cho xã hội, kể cả những dịch vụ pháp lý miễn phí.
Luật Luật sư đã quy định rằng: Mỗi luật sư một năm phải dành 8h để tư vấn pháp lý miễn phí. 10.000 luật sư cả nước đã thực hiện rất tốt điều này trong những năm qua. Bản thân tôi cũng không ngoại lệ.
Trân trọng cảm ơn ông!