Rất lâu rồi, chúng ta mới thấy vào dịp tháng Giêng âm lịch này lại vắng bóng nhiều lễ hội truyền thống. Nếu như mùa xuân năm nay cả nước không phải lo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 thì những ngày này đi đâu cũng thấy lễ hội. Trong khoảng lặng lễ hội, nhìn lại về hàng trăm lễ hội, chúng ta mới thấy: Lễ hội tuy đông nhưng ít sự đa dạng. Thậm chí nhiều lễ hội bị biến tướng thương mại hóa, hoặc lai căng. Mục đích của lễ hội truyền thống như vậy đã bị bóp méo…
Một phần nghi lễ tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Yên Tử. Ảnh: Từ Khôi.
Suốt một thời gian dài từ 1945 đến 1975, khi đất nước có chiến tranh, nhiều lễ hội truyền thống bị ngưng trệ không tổ chức. Từ 1975 đến 1990, tuy đất nước đã thống nhất nhưng đa phần các lễ hội cổ truyền chưa được tổ chức lại. Phải từ năm 1995 trở lại đây, lễ hội truyền thống mới được khôi phục. Bên cạnh các lễ hội cổ truyền, xuất hiện các lễ hội hiện đại.
Vì khoảng thời gian vắng bóng quá dài nên nhiều nghi thức trong các lễ hội bị mai một. Có những làng không còn giữ được văn tế đình làng mình. Cho nên họ đi vay mượn văn tế làng khác về sửa chữa, bổ sung cho phù hợp với làng mình. Về trang phục cũng như nghi thức tế của đa phần vùng văn hóa là giống nhau. Nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thế nên, tuy thống kê của ngành văn hóa, mỗi năm trên cả nước có tới 8-9 ngàn lễ hội thì màu sắc của các lễ hội giống nhau rất nhiều, có chăng chỉ khác biệt về quy mô.
Theo luật di sản hiện thời, lễ hội cổ truyền được xếp vào loại di sản văn hóa phi vật thể. Khi lập hồ sơ di sản văn hóa để xếp loại, việc tìm hiểu, xây dựng hồ sơ khó khăn hơn đối với di sản văn hóa vật thể. Lễ hội cổ truyền đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng. Ngày nay, lễ hội cổ truyền vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng dân gian, đồng thời, có tác động tới quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Cùng với sự phát triển của kinh tế, hạ tầng giao thông… lễ hội cổ truyền không chỉ còn bó hẹp trong một vi một làng, một tổng như trước đây mà mở rộng để thu hút các du khách thập phương. Từ đó dễ dẫn tới hiện tượng quá tải, nhếch nhác, tiêu cực.
Xét từ nguồn gốc, lễ hội cổ truyền không phải là nguyên nhân phát sinh ra các hiện tượng tiêu cực. Hiện tượng tiêu cực là phản ánh của nguyên nhân chính là khả năng quản lý lễ hội cổ truyền chưa theo kịp diễn biến của thực tế đời sống xã hội. Những người làm công tác tổ chức ở các lễ hội này cần tham khảo kinh nghiệm của các lễ hội cổ truyền lớn, mang tính liên vùng như Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh)….
Để lễ hội cổ truyền được đa dạng, cơ quan quản lý và chủ thể lễ hội (cộng đồng dân cư) cần tôn trọng các “yếu tố gốc” tạo nên di sản. Trong lịch sử, trong ký ức dân gian, chưa từng thấy nói đến việc mua và phát ấn rộng rãi tại đền Trần (Nam Định) như hiện nay. Hay trong lịch sử cũng không thấy nói đến việc rải tiền lẻ ở các di tích đền chùa miếu mạo. Ngay cả việc lấy tiền quệt lên máu của ông lợn tại lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) cũng không thấy nêu. Tâm thức dân gian không có chuyện như vậy. Nhưng tâm lý “chạy chức, chạy quyền, chạy tội”… thời hiện tại đã phát sinh thói tục. Nếu vì chiều theo sở thích du khách như vậy sẽ làm mai một bản sắc và tăng phần tiêu cực.
Trong các lễ hội cổ truyền tiêu biểu giữ gìn được bản sắc và tích cực, chúng ta thấy có lễ hội Gióng ở xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội. Đây là lễ hội lớn và đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể địa diện của nhân loại. Chủ thể tổ chức là cộng đồng dân cư bản địa. Dù lễ hội có rất nhiều nghi lễ, nhưng may mắn sao, các nghi lễ này lại được ghi chép cẩn thận và trao truyền nhiều thế hệ. Cơ quan chức năng, công an địa phương chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, phân luồng giao thông chứ không can thiệp vào phần nghi lễ. Tất nhiên, mô hình này không thể áp dụng đối với tất cả các lễ hội cổ truyền khác. Nhiều lễ hội cần có sự phối hợp với chính quyền địa phương. Sự phối hợp của chính quyền trong hoạt động quản lý các dịch vụ, an ninh trật tự, an toàn cháy nổ và vệ sinh môi trường… sẽ hạn chế được nhiều mặt tiêu cực, yếu kém đang tồn tại trong lễ hội. Ở đây, cần có sự phân biệt giữa nghi thức khai mạc và nghi thức tế lễ truyền thống. Trong đó, các nghi thức tế lễ truyền thống của lễ hội vẫn do cộng đồng thực hiện theo đúng quy trình, đại diện cơ quan nhà nước không nên làm thay dân, ngay cả với nghi lễ thiêng liêng (dâng hương) trong ngày khai hội. Sau nghi thức tế lễ truyền thống, đại diện cơ quan nhà nước và du khách có thể thực hiện các nghi thức khai mạc mà không làm ảnh hưởng đến quy trình và “tính thiêng” của lễ hội.
Với các lễ hội hiện đại, chúng ta thấy rõ hiện tượng “sân khấu hóa”, “thương mại hóa”, “thế tục hóa”. Có những công ty chuyên đứng ra tổ chức các chương trình cho các lễ hội. Những người viết kịch bản không am tường về di sản văn hóa sẽ dẫn tới việc lặp lại mô típ. Có những lễ hội được lồng ghép trong không gian do các công ty tư nhân được đầu tư xây dựng cũng làm méo mó di sản gốc...
Nghiên cứu, lập hồ sơ và tổ chức lễ hội cổ truyền đúng vốn cổ là một việc làm cần thiết để gìn giữ bản sắc và sự đa dạng văn hóa. Nhưng để lễ hội cổ truyền, lễ hội hiện đại giàu yếu tố tích cực thì cần thiết đưa thêm yếu tố văn minh vào lễ hội. Ví như, giảm bớt sự dã man trong tục hiến sinh chém lợn, đâm trâu… trong một số lễ hội…