Tối 29/10, tại di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo (xã Duy Nhất-huyện Vũ Thư-tỉnh Thái Bình), chính quyền và nhân dân địa phương đã tổ chức khai mạc hội Thu chùa Keo năm 2017 và đón bằng ghi danh lễ hội chùa Keo là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...
Đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch trao Bằng ghi danh cho đại diện chính quyền, nhân dân địa phương.
Tại buổi lễ, thay mặt Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã trao bằng ghi danh cho đại diện lãnh đạo địa phương, và Ban Quản lý di tích chùa Keo...
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao việc chính quyền, nhân dân địa phương, trực tiếp là người dân làng Keo đã gìn giữ, lưu truyền những nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng trong lễ hội chùa Keo.
Đồng thời đề nghị thời gian tới tỉnh Thái Bình cần quan tâm chỉ đạo hoàn thiện đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội chùa Keo. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn giá trị di sản gắn với phát triển du lịch địa phương...
Chùa Keo (Thần Quang Tự) tương truyền do Thiền sư Dương Không Lộ xây dựng từ năm 1061. Năm 1611, do ảnh hưởng của trận đại hồng thủy, chùa bị cuốn trôi, phải xây dựng lại và được hoàn thành năm 1632, theo phong cách kiến trúc thời Lê.
Chùa nằm trên diện tích 58 nghìn mét vuông, có 2 cụm kiến trúc gồm chùa là nơi thờ Phật và đền là nơi thờ Đức thánh Dương Không Lộ.
Kiến trúc tiêu biểu nhất là tòa gác chuông bằng gỗ cao 11,04 m, ba tầng mái; ở tầng một treo khánh đá cao 1,2 m; tầng hai treo quả chuông đồng đúc năm 1686 cao 1,3 m, tầng trên cùng treo hai quả chuông nhỏ đúc từ năm 1796.
Gác chuông chùa Keo Thái Bình.
Chùa Keo được đánh giá là kiệt tác, công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của Việt Nam...
Hàng năm, chùa Keo mở hai kỳ lễ hội (mùa xuân và mùa thu). Lễ hội chùa Keo vừa mang tính chất lễ hội nông nghiệp, vừa mang tính chất của một lễ hội lịch sử.
Đến nay các nghi thức, hoạt động trong lễ hội như lễ khai chỉ, lễ rước kiệu thánh, tế lễ, hát giao duyên, thi têm trầu cánh phượng, các trò chơi dân gian như leo cầu ngô, bắt vịt...vẫn được duy trì theo tục lệ lễ hội cổ.