Sáng 19/10, đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn của tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Lễ hội Katê theo nghi lễ truyền thống tại các đền tháp.
Riêng tại tháp Pô Klông Garai (thuộc phường Đô Vinh, TP Phan Rang - Tháp Chàm), UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã tổ chức công bố và đón nhận bằng chứng nhận Lễ hội Katê của người Chăm Ninh Thuận được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hàng nghìn người đổ về tháp Pô Klông Garai để tham gia lễ hội.
Theo thông lệ, hằng năm cứ đúng vào ngày mùng 1 tháng 7 (lịch Chăm) thì đồng bào Chăm khắp nơi của tỉnh Ninh Thuận nô nức đến viếng và dâng lễ tại các Đền Tháp để tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ các vị thần, ông bà, tổ tiên; ca ngợi các vị vua hiền có công với nước với dân; thăm hỏi trong gia đình, cộng đồng, chúc nhau những lời tốt lành.
Phong tục này đã có từ lâu đời, do người Chăm chủ yếu sống bằng nghề nông phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều, nên sau khi thu hoạch họ thường lên Tháp để tạ ơn và cầu xin Ngài cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được tươi tốt, gia quyến được bình an. Việc này lâu dần trở thành một nét văn hóa tinh thần độc đáo trong đời sống và sinh hoạt của cộng đồng người Chăm.
Rất đồng người chăm và du khách tham dự lễ hội Katê 2017.
Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người dân tộc Chăm cùng du khách thập phương đổ dồn về đền Pô Inưgar, tháp Pô Klông Garai và tháp PôRômê để cùng vui đón Lễ hội Katê, một trong những lễ hội quan trọng của đồng bào người Chăm Ninh Thuận theo đạo Bàlamôn.
Bà Trương Thị Bay (thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước) cho biết: “Katê năm nay vui hơn so với mọi năm, bởi thời tiết trong năm rất thuận lợi. Gia đình tôi mới thu hoạch lúa xong, năng suất tăng hơn so với các năm trước nên gia đình đón Tết trong không khí ấm áp”.
Lễ hội Katê đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Theo bà, hàng năm cứ đến ngày này với bộ áo mới và mang các lễ vật gà, các loại trái cây, trầu cau… để cúng dâng lên các vị thần. Cầu mong gia đình được sung túc, gia đình vui vẻ, con cái học tập đến nơi, đến chốn.
Mở đầu là Lễ rước y trang lên Tháp Pô Klong Garai được tiến hành từ sáng sớm ngày mùng 1 tháng 7 lịch Chăm. Trong những tiếng kèn Saranai, điệu trống Ginăng, hàng vạn người nô nức trong trang phục mới tụ về ngôi tháp cổ kính với niềm thành kính, tưởng nhớ các vị thần linh, các bật tiền bối có công dạy cho dân trồng trọt, dệt vải và đồng thời cũng là dịp tưởng nhớ ông bà, tổ tiên biết ơn các đấng đã có công xây dựng đất nước.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn tổ chức một số hoạt động phục vụ lễ hội như: Hội thi tay nghề dệt thổ cẩm, hội thi tay nghề gốm, văn nghệ…
Lễ hội không chỉ gắn với đền tháp cổ kính ngàn năm tuổi, nơi lưu giữ những giá trị kỹ thuật và mỹ thuật cao nhất của nền văn hoá Chăm, mà còn gắn với nhiều lĩnh vực khác của văn hoá: đồ cúng tế, y phục, nhạc cụ; những bài thánh ca, ca ngợi các vị vua hiền có công với nước với dân.
Rất đông du khách đổ về dự lễ hội Katê tại Ninh Thuận.
Lễ hội còn là dịp để cộng đồng người nhân dân địa phương và những người tham dự được thưởng thức một nền nghệ thuật ca - múa - nhạc dân gian với phong cách độc đáo.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Những năm qua, đời sống của đồng bào người Chăm trong tỉnh đã có bước chuyển biến rõ nét theo từng ngày, hòa chung với nhịp điệu phát triển của đất nước. Nhiều lễ hội, di tích của đồng bào người Chăm được duy trì, bảo tồn và phát triển.
Ông Vĩnh nhấn mạnh: Lễ hội Katê mang những giá trị độc đáo, đặc sắc luôn gắn liền với đời sống tâm linh, sinh hoạt và đã trở thành một nét đẹp của đồng bào người Chăm.
Lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia nhờ sự đóng góp lớn lao của người Chăm. Đây là niềm tự hào cho người dân tỉnh Ninh Thuận, qua đó sẽ tạo thêm một màu sắc sinh động trong văn hóa dân tộc của Việt Nam.