Ninh Thuận là tỉnh có đông người Chăm sinh sống nhất trong cả nước. Vì vậy, văn hóa Chăm ở đây khá đậm chất, được thể hiện qua chữ viết, trang phục, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, nghề gốm, dệt thổ cẩm. Trong đó, nổi bật là lễ hội Katê - một trong những lễ hội quan trọng được người Chăm Ninh Thuận gìn giữ, bảo tồn.
Katê là lễ cúng để tưởng nhớ thần Cha, còn Cambun là lễ cúng tưởng nhớ thần Mẹ. Thần Cha thuộc “dương” còn thần Mẹ thuộc “âm” nên Katê được tổ chức vào thượng tuần trăng (1 tháng 7 lịch Chăm), Cambun được tổ chức vào hạ tuần trăng (15 tháng 9 lịch Chăm), đều được tổ chức ở đền, tháp.
Lễ hội Katê được diễn ra trong một không gian rộng lớn và thời gian kéo dài. Ngày mồng 1 tháng 7 lịch Chăm được gọi là ngày lễ chính tại đền, tháp. Còn lễ hội Katê kéo dài cả tháng, nên mới có câu “bilan Katê” (tháng Katê).
Các lễ chính trong ngày lên tháp (1/7 lịch Chăm) gồm có: Lễ rước y trang lên tháp, lễ mở cửa tháp, lễ mộc dục (tắm tượng và mặc y phục) và cuối cùng là đại lễ (lễ chính). Sau Katê đền, tháp là Katê làng. Các làng chọn ra các ngày thứ Tư hoặc thứ Bảy trong tuần để tổ chức đồng thời thông báo cho cả làng biết và mang bánh trái đến cúng tại nhà làng. Katê làng nhằm để cúng thần làng và tưởng nhớ những người có công đối với làng. Sau Katê làng là đến Katê gia đình, dòng tộc. Trước tiên nó được tổ chức trong gia đình nhà Cả sư (Po Adhia) sau đó mới đến các gia đình dòng tộc khác.
Ngày nay, Katê đã trở thành một lễ hội mang đầy đủ tính chất “lễ” và “hội”. Với những nét văn hóa đặc sắc, đa dạng, Katê luôn được đồng bào Chăm gìn giữ và bảo tồn, phát triển. Qua thời gian, Katê không chỉ là một nghi lễ hay lễ hội mà nó đã thực sự trở thành ngày Tết đối với đồng bào Chăm. Nếu có dịp đến với các làng nghề truyền thống Ninh Thuận, hẳn du khách sẽ choáng ngợp với những nét độc đáo, những bản sắc văn hóa mà chỉ tận mắt khám phá mới cảm nhận hết được giá trị của nó.
Năm nay, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Ninh Thuận, UBND tỉnh này cho phép đồng bào Chăm chỉ tổ chức lễ hội Katê trong phạm vi gia đình; không tập trung đông người; không tổ chức tiệc, mời khách tham dự, kể cả người thân trong gia đình từ nơi khác đến…
Mặc dù cách thức tổ chức lễ hội được rút gọn, song tính chất trang nghiêm của lễ hội vẫn luôn được bà con người Chăm chú trọng. Vào ngày này, mọi thành viên trong gia đình người Chăm đều có mặt đông đủ để cầu mong tổ tiên, thần linh phù hộ cho làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn. Không chỉ vậy, đây cũng là dịp ông bà, cha mẹ, giáo dục con cháu kính trọng tổ tiên. Điều đặc biệt, lễ Katê tổ tại gia đình luôn là khoảng thời gian sum họp tràn ngập tiếng cười.
Có thể nói, dù trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử, người Chăm tại Ninh Thuận vẫn gìn giữ nguyên vẹn lễ hội Katê. Một lễ hội mang dấu ấn đậm nét của nền văn hóa tín ngưỡng Chăm sau hàng trăm năm hình thành, phát triển.