Được tổ chức từ 2 đến 4/10 tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, Lễ hội Trung thu 2017 mang đậm màu sắc Trung thu truyền thống, ấn tượng và mang tính giáo dục với chủ đề: “Trung thu với đồ chơi dân gian truyền thống” cùng nhiều hoạt động hấp dẫn: hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống, biểu diễn nghệ thuật, xiếc, phá cỗ Trung thu…
Trò chơi bịt mắt đập niêu.
Triển lãm sẽ cho các em hiểu rõ hơn về các làng nghề vùng quê Việt nơi các nghệ nhân vẫn âm thầm và miệt mài, bảo tồn nét dân tộc qua từng chiếc đèn ông sao, mặt nạ bồi giấy, đèn kéo quân…
Đó là làng nghề Ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên với rất nhiều loại đồ chơi truyền thống; làng Báo Đáp (Nam Trực, Nam Định) với những chiếc đèn sao đượm hồn Việt; làng Gạo (Vụ Bản, Nam Định) có nghề làm đầu sư tử lâu năm; Làng sản xuất tiến sĩ giấy với mong muốn khuyến khích sự học (Hậu Ái, Hoài Đức, Hà Nội); làng Đàn Viên (Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) với những chiếc đèn kéo quân truyền thống quen thuộc vào dịp Trung thu…
Có lẽ không gian được yêu thích nhất tại Lễ hội Trung thu 2017 là khu hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống do trực tiếp các nghệ nhân đến từ nhiều làng nghề hướng dẫn.
Làm chuồn chuồn tre, món đồ chơi làm thức dậy ký ức tuổi thơ do nghệ nhân Đỗ Văn Liên (Thạch Thất, Hà Nội) hướng dẫn.
Nặn tò he và bong bóng nghệ thuật, giấc mơ muôn màu sắc, là thế giới trẻ thơ đầy nghộ nghĩnh được thể thiện qua các nhân vật cổ tích, con thú đáng yêu của các nghệ nhân đến từ làng Xuân La.
Làm mặt nạ giấy bồi đặc trưng theo lối cổ của nghệ nhân làng Đông Khê, Bắc Ninh. Biểu diễn và hướng dẫn múa sư tử, tìm hiểu nghệ thuật múa rối cạn… Các khu vui chơi: bịt mắt đập niêu, rồng rắn lên mây, kéo co…
Cùng với đó là chương trình lễ hội và giao lưu văn hóa nghệ thuật đặc sắc: Chương trình khai mạc và truyền hình trực tiếp “Chú cuội chơi trăng”, giao lưu và trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; Đêm hội “Ánh trăng tuổi thơ”; Chương trình biểu diễn xiếc, bày cỗ trông trăng và phá cỗ Trung thu…