Mùa du xuân đang “ấm lên” khi nhiều địa phương quyết định mở cửa đón khách với một số di tích, danh lam thắng cảnh. Trong đó, khu danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) thuộc huyện Mỹ Đức (Hà Nội) - nơi lâu nay được ví là lễ hội lớn nhất và kéo dài trong 3 tháng mùa xuân cũng sẽ được mở cửa vào ngày 16/2 tới. Điều đó đang cho thấy những tín hiệu tốt lành về một năm “mưa thuận, gió hòa”…
Mở có điều kiện
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội diễn ra quanh năm, trên khắp các vùng miền của đất nước. Trong đó, phần lớn các lễ hội tập trung vào 3 tháng mùa xuân. Thế nhưng, trong 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã khiến hầu hết các lễ hội phải hoãn, hủy.
Ở một số địa phương, với những lễ hội chính, có thời điểm chỉ được phép tổ chức phần lễ với sự “tối giản” nhất về thành phần tham gia để đảm bảo an toàn phòng tránh dịch bệnh. Sự hoãn, hủy các lễ hội đã ảnh hưởng nhiều tới đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, ngoài ra còn ảnh hưởng tới đời sống kinh tế - xã hội của nhiều địa phương nơi khởi nguồn và duy trì lễ hội.
Chính vì vậy, khi dịch bệnh được kiểm soát, các quyết định mở cửa một số danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa để du khách đến du xuân, chiêm bái Phật, Thánh đang khiến nhiều nơi, nhiều người phấn chấn hơn. Mặc dù nhiều địa phương cố gắng không tổ chức phần lễ và hội để tránh tập trung đông người, song việc mở cửa để du khách đến chơi xuân, dâng lễ với những điều kiện đảm bảo phòng tránh dịch bệnh được cho là cách thích ứng phù hợp.
Đơn cử như tại các điểm tâm linh trong quần thể Hương Sơn, trước khi xuất hiện dịch bệnh, từ sau Giao thừa Tết Nguyên đán du khách đã bắt đầu trẩy hội. Đặc biệt, mùng 6 tháng Giêng, khi chùa Hương chính thức khai hội thì hàng vạn du khách kéo về, khiến năm nào tình trạng tắc nghẽn cũng xảy ra.
Năm nay, từ trước Tết, thông tin lễ hội chùa Hương không được tổ chức khiến nhiều người tiếc nuối. Đến tận mùng 5 Tết, người dân ở địa phương này vẫn “nín thở” chờ đợi. Và khi TP Hà Nội quyết định cho di tích này chính thức mở cửa đón khách từ ngày 16/2 (tức 16 tháng Giêng năm Nhâm Dần 2022) khiến hàng ngàn người dân sống bằng nghề chèo đò và bán hàng quanh khu Hương Sơn thở phào. Đến nay, khoảng hơn 3.000 chiếc thuyền chở khách đã sẵn sàng phục vụ du khách đến với với các địa điểm tâm linh trong khu danh thắng Hương Sơn.
Mặc dù mở cửa đón khách “có điều kiện”, cụ thể là không tổ chức phần lễ và hội, song dự báo du khách sẽ tiếp tục đến khu di tích này rất đông. Chính vì thế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng đã giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Y tế Hà Nội hướng dẫn huyện Mỹ Đức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm đúng hướng dẫn của trung ương và thành phố. Được biết, từ ngày 11 đến 15/2, huyện Mỹ Đức triển khai công tác chuẩn bị để đánh giá, rút kinh nghiệm và thực hiện đón khách tham quan từ ngày 16/2.
Trước đó, sáng 10/2 (tức mùng 10 tháng Giêng), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cũng đã tổ chức Lễ dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an tại chùa Hoa Yên, Khu Di tích và Danh thắng Yên Tử, thành phố Uông Bí. Phần lễ bao gồm nghi thức cung rước từ chân dốc dẫn lên Huệ Quang Kim Tháp và chùa Hoa Yên, lễ dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an và lễ đóng dấu thiêng Yên Tử.
Năm nay, lễ khai hội Yên Tử được tổ chức hạn chế số lượng người theo quy định phòng, chống dịch Covid-19. Buổi lễ được phát trực tiếp trên Facebook Yên Tử Mountain để tăng ni, phật tử, du khách gần xa cùng hướng lòng về tham dự. Các nghi thức dâng hương, lễ Phật, đóng dấu thiêng Yên Tử… vẫn diễn ra đầy đủ, ngắn gọn và trang nghiêm, tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Không phân biệt “chùa to, chùa nhỏ”
Ngay sau khi một số lễ hội, khu danh lam, thắng cảnh, di tích được mở cửa đón khách người dân đã bắt đầu đến dâng hương, chiêm bái, vãn cảnh. Tại khu danh thắng Yên Tử, trong ngày đầu, lượng khách hành hương về Yên Tử chưa đông. Trong khi đó, ngày 9/2, hàng nghìn du khách đã hành hương về Quần thể di tích lịch sử, văn hóa đền Nưa - Am Tiên (thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) trong ngày “mở cổng trời” để cầu tài lộc, may mắn…
Sau 2 năm dịch bệnh, đến nay người dân đã đúc rút được kinh nghiệm. Đa số đều lựa chọn những thời điểm phù hợp và tránh những chỗ tập trung quá đông người. Bên cạnh tuân thủ khuyến cáo 5K, nhiều người cũng chuẩn bị đồ dùng cá nhân để hạn chế sử dụng các dịch vụ tại từng điểm đến, nhằm phòng tránh dịch bệnh.
Tuy nhiên, vẫn còn một số người đổ xô đến một số đền chùa, cơ sở tín ngưỡng, khu du lịch tâm linh vào cùng một thời điểm khiến lượng người đông nghẹt. Như ngày 4/2, hàng ngàn người đã đến khu du lịch chùa Tam Chúc (Hà Nam) để tham quan, lễ chùa, du xuân đầu năm.
Trong một sự kiện do báo Đại Đoàn Kết tổ chức, Thượng tọa Thích Minh Quang - Phó Trụ trì thường trực chùa Bái Đính - Tam Chúc đã nhấn mạnh rằng, nhiều người nghĩ phải đến chùa to, chùa lớn thì cầu được nhiều hơn, thiêng hơn – đó là quan niệm lầm lạc.
“Mọi người đến chùa nào cầu cũng được, miễn là làm sao tâm mình an, thì mọi sự sẽ an. Khi chúng ta hiểu rõ Phật pháp rồi, thì phần cầu cúng nên giảm bớt. Điều quan trọng đối với Phật tử là học Đạo, hiểu Đạo và thực hành Đạo theo lời Đức Phật dạy: làm điều lành, tránh điều ác”, Thượng tọa Thích Minh Quang nhấn mạnh.
Theo Thượng tọa, ước nguyện cầu mong cuộc sống bình an là ước nguyện chung mỗi người. Đầu năm hay đến chùa lễ Phật, cầu cho bản thân, người thân được bình an, cầu quốc thái dân an. Tuy nhiên chúng ta cầu nguyện làm sao cho phù hợp. Chúng ta đừng cầu nguyện cho riêng mình, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa thì đã có mình. Còn chỉ cầu riêng cho mình thể hiện lòng tham.
“Vẫn có nhiều trường hợp đi chùa vẫn theo tâm lý đám đông, vẫn chen lấn, giành giật chứ chưa tìm hiểu nơi mình đến thờ ai, lễ cúng ra sao… Chính vì thế không tránh khỏi những hành vi không phù hợp với giáo lý nhà Phật, đi ngược lại với tập tục, tín ngưỡng thờ cúng của dân tộc”, Thượng tọa Thích Minh Quang nhấn mạnh, đồng thời phân tích: Phật là Phật chung, cảnh là cảnh riêng. Chùa to cũng thờ Phật, chùa nhỏ cũng thờ Phật. Cửa Phật chung bốn biển một nhà, nam nữ quý tiện hiền ngu bình đẳng. Mọi người đến chùa nào cầu cũng được, miễn là làm sao tâm mình an. Vì tâm mình an, vạn sự an. Còn mình có đến chùa to hay chùa nhỏ, chùa cũ hay chùa mới mà tâm mình bất an thì cũng thế thôi. Cho nên cái suy nghĩ đến chùa to cảnh lớn hay chùa cổ chùa cũ để được này được nọ là suy nghĩ chưa đúng với giáo lý nhà Phật. Vì thế mong bà con khi đi đến lễ Phật, thăm quan chiêm bái thì mong tất cả cố gắng giữ trang nghiêm thanh tịnh nơi tâm, nơi thân; không chen lấn xô đẩy. Chúng ta hãy dành thời gian tĩnh tâm, phẳng lặng để lễ Phật, soi lại chính mình, cầu các bậc Bồ tát phù hộ cho sự bình an…
Bắc Ninh không tổ chức Hội Lim 2022
Ông Nguyễn Đại Đồng - Chủ tịch UBND huyện Tiên Du (Bắc Ninh) cho biết, huyện tiếp tục tạm dừng tổ chức Hội Lim 2022 để phòng chống dịch Covid-19. “Lễ hội Lim, tán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích, chỉ đảm bảo các phần lễ trong các khu thờ tự chùa, trong quá trình các địa phương tổ chức nghi lễ tâm linh tại phần lễ không quá 10 người có mặt và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế ban hành”, ông Đồng nói.
Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, không gian lễ hội lấy đồi Lim làm trung tâm, có chùa Lim - nơi thờ ông Hiếu Trung Hầu - người sáng lập tục hát Quan họ và diễn ra tại 3 địa phương bao quanh là: xã Nội Duệ, xã Liên Bão và thị trấn Lim.
Hội Lim thường được kéo dài trong khoảng 3 ngày (từ ngày 12 - 14 tháng Giêng hàng năm), trong đó ngày 13 là chính hội với nhiều hoạt động tập trung. Đồng thời là một sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật đặc sắc của nền truyền thống lâu đời ở xứ Bắc và dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hóa chung của dân tộc Việt, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ.