Thông tin được Tạp chí Rolling Stone và Variety đưa tin: Lễ trao giải âm nhạc uy tín nhất thế giới Grammy lần thứ 63 sẽ bị hoãn lại cho đến tháng 3 tới, do số ca nhiễm Covid-19 đang tăng nhanh tại thành phố Los Angeles, bang Califonia, Mỹ.
Như vậy, dự kiến vào ngày 31/1 sắp tới sẽ diễn ra lễ trao giải một lần nữa đã không thực hiện được. Trong khi đó, Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật thu âm quốc gia Mỹ (Recording Academy), đơn vị tổ chức lễ trao giải Grammy, và đài CBS (nơi tổ chức truyền hình trực tiếp) vẫn chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên.
Trước đó, các nhà tổ chức lễ trao giải Grammy lần này từng dự tính thay đổi cách tổ chức khác với thường lệ: không có khán giả cũng như thảm đỏ như truyền thống.Họ cũng tính dời sân khấu biểu diễn sang các địa điểm ngoài trời nhỏ hơn, thay vì tổ chức tại Trung tâm Staples trong nhà ở Los Angeles. Tuy nhiên, thông tin từ Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật thu âm quốc gia cho biết đã hoàn tất việc bỏ phiếu để chọn ra những người chiến thắng giải Grammy trong ngày 4/1.
Tại mùa giải năm nay, nữ ca sĩ Beyoncé là ứng cử viên hàng đầu với tổng cộng 9 đề cử. Bên cạnh đó, các ca sĩ khác như Taylor Swift, Dua Lipa, Roddy Ricch, Jhené Aiko, Post Malone... cũng được đề cử.
Trong khi đó, người hâm mộ hồi hộp chờ đợi “số phận” của một ca khúc tiếng Ba Tư cùng những đoạn nhạc gospel tiếng Nigeria trong album Everyday life của ban nhạc Coldplay. Nó được coi là “nhân tố bí ẩn” của Grammy 63. Tới nay, ít người biết Coldplay là ai, giới phê bình âm nhạc coi đó là “người lạ nhưng vô cùng quyến rũ”. Người ta thật khó quên một đoạn của lời bài hát “Vì ai cũng tổn thương, ai cũng khóc. Ai cũng nói nhau nghe những lời dối trá. Ai cũng ngã, ai cũng mơ, ai cũng nghi ngờ” – khiến người ta liên tưởng đến sự hãi hùng mà Covid-19 mang đến.
Thực sự thì Coldplay không phải là “lính mới”, khi mà ban nhạc Rock này đã khuấy đảo các sàn diễn. Dĩ nhiên là trong năm 2020 khi Covid-19 hoành hành thì họ cũng “bó tay”. Người ta nói rằng, nếu Gammy năm nay Everyday life (album thứ 7 của Coldplay) không giành giải cao thì “Grammy cũng mất ý nghĩa”.
Viện thu âm nghệ thuật và khoa học quốc gia (NARAS) của Mỹ thành lập Giải thưởng Grammy vào năm 1958 nhằm tôn vinh những thành tựu của các ca sĩ, nhạc sĩ và những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Tên Grammy được chọn thông qua một cuộc thi cấp quốc gia và cúp Grammy được thiết kế theo hình dáng một máy hát cổ 9 inch. Mặc dù ban đầu được tổ chức như một buổi tiệc tối, Giải thưởng Grammy đã trở thành lễ trao giải được truyền hình trên toàn nước Mỹ, thu hút hơn 130.000 khán giả trực tiếp tham gia mỗi năm.
Lễ trao Giải thưởng Grammy đầu tiên được tổ chức như một buổi tiệc tối tại Beverly Hills và New York vào năm 1959. Gần 150 nghệ sĩ, nhạc sĩ và các chuyên gia phòng thu được đề cử Giải Grammy năm 1959 ở 28 hạng mục, gồm Album của năm và Ca khúc của năm.
Từ năm 1963 - 1970, NARAS phát sóng các phần biểu diễn giành chiến thắng Giải Grammy được thu âm trước trong chương trình The Best On Record. Lễ trao Giải thưởng Grammy thường niên lần thứ 13 diễn ra vào năm 1971, trở thành lễ trao giải đầu tiên được truyền hình trực tiếp trên truyền hình từ Hollywood Palladium.
Trong những năm 1980, NARAS thành lập hai tổ chức từ thiện, The Grammy Foundation và MusiCares Foundation nhằm giúp đỡ các chương trình giáo dục âm nhạc và cung cấp sự hỗ trợ khẩn cấp cho các nhạc sĩ. Vào cuối những năm 1990, NARAS lập ra văn phòng Advocacy & Government Relations để đại diện cho nghệ sĩ và những người thuộc lĩnh vực âm nhạc trong vấn đề chính sách chính phủ. NARAS cũng thành lập Viện thu âm nghệ thuật và khoa học Latin để ghi nhận những thành tựu trong lĩnh vực thu âm tiếng Tây Ban Nha. Lễ trao Giải Latin Grammy lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2000.
Trong 50 năm đầu sau khi ra đời, đã có hơn 7.500 Giải Grammy được trao cho các thành tựu âm nhạc. Số lượng giải thưởng đã tăng lên đến hơn 100 hạng mục, với hơn 500 bản thu âm được đề cử hàng năm. Tính từ lễ trao giải được truyền hình lần đầu vào năm 1971, đã có gần 600 nghệ sĩ tham gia biểu diễn trực tiếp tại các lễ trao Giải Grammy.