Lên Quản Bạ nghe dân ca Mông

Lê Thúy 01/05/2016 14:50

Mỗi dân tộc thiểu số ở vùng cao phía Bắc nước ta đều có những giai điệu âm nhạc riêng. Và người Mông ở Quản Bạ (Hà Giang) cũng thế. Điệu dân ca của đồng bào ở đây nghe một lần sẽ nhớ mãi không quên.

Lên Quản Bạ nghe dân ca Mông

Múa Khèn.

Muốn lên được Quản Bạ, từ TP Hà Giang, chúng tôi ngược hướng Tây Bắc chừng 50 cây số vòng vo đường núi mờ ảo khói sương mới lên đến Cổng Trời. Đứng ở Cổng Trời, nhìn về phía xa, Quảng Bạ hiện lên như một bức tranh huyền ảo khói sương khiến tôi có cảm giác với tay ra có thể cầm nắm được cả vùng đất của người Mông Hoa và Mông Đỏ này.

Nhưng điều đặc biệt nhất của Quảng Bạ hôm nay chính là cái thung lũng rộng bằng phẳng rực rỡ với những khu nhà tầng cao thấp chen nhau. Giữa cái se lạnh của non ngàn, tiếng khèn, tiếng sáo như nâng lời dân cư Mông chơi vơi, bổng trầm, vấn vít lòng người. Giữa thiên nhiên hùng vĩ tôi có cảm giác người Mông như đang say vào giai điệu dân ca hồn nhiên và quyến rũ của họ. Và trong buổi sáng mờ sương ấy, tôi nghe rõ giai điệu ngọt ngào của một cô gái Mông cất lên, len lỏi qua giữa núi cao rừng thẳm.

“Nước chảy, mặc nước chảy/ Đất không chảy được đâu”…, đó là vài câu gốc trong điệu Khớư Xìa (có nghĩa là lời ca), sau này nó biến thể thành: “Em ơi! Nước chảy được nước chảy/ Đất không chảy được thì đất đứng/ Anh đi được, anh cứ đi/ Em không đi, em sẽ phải lên núi lên đồi em than/ Nước chảy được nước chảy/ Đất không chảy được thì đất đứng/ Anh đi được, anh cứ đi/ Em không đi, em sẽ phải lên núi lên đồi em khóc”…

Phần lớn người Mông, ai cũng biết mấy điệu này. Chiếm số lượng lớn trong điệu Khớư xìa là những bài ca giao duyên của trai gái Mông: “Con gái yêu phải con trai/ Khác nào sàng lớn, sàng bé/ Sàng tốt sợi chỉ tình/ Trên trời anh đã yêu/ Dưới trần anh yêu đủ/ Chỉ riêng em/ Mới xứng chăm sóc giúp anh một gia đình”… Nổi tiếng trong dân ca người Mông Quản Bạ là hàng loạt các làn điệu hát đối đáp của nam nữ thanh niên.

Khi tàn cuộc chợ, từng tốp trai gái dạo chơi sườn núi và giao lưu với nhau bằng những lời ca ngẫu hứng: “Anh rằng: Em ơi! Tình yêu đôi ta đẹp ngần này/ Đã nói nhiều nhưng ta chưa nói hết/ Vẫn còn một điều ngây ngất ở trong em/ Em rằng: Anh ơi!/ Chúng mình dù tâm sự hay đến mấy/ Nhưng mới gặp gỡ lần đầu/ Muốn nói với anh bằng điều khác/ Nhưng vì chưa hiểu nổi trái tim anh...”

Trong mỗi tình yêu thường kết thúc bằng một đám cưới. Tuy nhiên, người Mông đi đến hôn nhân và những làn điệu hát được diễn ra theo suốt hành trình nghi lễ cưới xin từ buổi đi xin hỏi dâu, xin vào nhà đến xin chỗ ngồi, xin giao lễ và xin đón dâu về... Và do vậy, mỗi khi đám cưới người Mông diễn ra, với họ hàng, bạn bè đấy là những ngày hội sinh hoạt văn hóa sinh động, hấp dẫn và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.

Trong đời sống của người Mông, không thể thiếu những bài hát ru say mê lòng người. Các trò chơi, các hình thức văn nghệ dân gian của người Mông đều được tái hiện một cách hồn nhiên với các giai điệu ngọt ngào. Khi buổi chợ sắp vãn, tiếng khèn lá réo rắt lâm ly của một chàng trai chợt cất lên. Anh bạn đồng hành kiêm dẫn đường bảo: “Đối với người Mông, khi tiếng kèn cất lên tất cả đều biết nó nói gì.

Và tiếng khèn của chàng trai ấy mang ý nghĩa: “Nước trôi được thì nước cứ trôi/ Đất không trôi được thì đất ở lại/ Anh đi được thì anh cứ đi/ Em không đi được thì em ở lại với đất…” Nhóm chúng tôi vừa nghe xong sững sờ, không phải vì nó lâm li bi đát mà cách biến thể trong dân ca Mông quá ư tài tình và người Mông rất biến sử dụng nó. Vẫn cứ yêu, cứ kiên định, cứ trách móc nhưng xem ra nó đã thoát khỏi các chi tiết, trở nên khái quát hơn, tinh diệu hơn, đã biến thành một bài tình ca hoàn chỉnh. Thật hiếm thấy một khổ thơ hay đến thế, lạ đến thế, day dứt lòng người đến thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lên Quản Bạ nghe dân ca Mông