Nếu đã quen với hình ảnh những đồi chè một màu xanh mướt mát trải rộng tới vài km ở Tân Cương Thái Nguyên, hay cao nguyên Mộc Châu (Sơn La ) Lâm Đồng (Đà Lạt),... hẳn bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi đứng trước rừng chè Shan tuyết cổ thụ tán rộng, thân cây cao lớn, gồ ghề được phủ lớp địa y trắng mốc nơi Suối Giàng.
Chè cổ thụ Shan tuyết là tặng vật của dãy Hoàng Liên Sơn cho Suối Giàng. Từ những năm 1960, nhiều nhà nghiên cứu về cây chè ở Việt Nam và thế giới đã tìm thấy ở đây trên 80.000 cây chè từ 200 tuổi trở lên, trong số đó có rất nhiều cây trên 300 tuổi. Còn loại cây chè vào khoảng 100 năm tuổi thì nhiều vô kể.
Rừng chè ở Suối Giàng phủ rộng khắp nơi, với diện tích khoảng 293ha. Cây chè cổ nhất ở Suối Giàng đã có tuổi thọ trên 400 năm tuổi, được người dân gọi là Cây chè Tổ, nằm ở xã Giàng B- vị trí cao nhất xã. Nói về giá trị của trà Shan Tuyết, một chuyên gia người Nga từng đến 120 nước nghiên cứu về cây chè đặt câu hỏi: Phải chăng đây là nơi phát tích của cây chè? Bởi ông phát hiện chè Shan tuyết độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới...
Mỗi năm chè Shan tuyết được thu hoạch 3 vụ, vụ cuối thường vào khoảng tháng 8 đến tháng 9 âm lịch. Như thời điểm này, từ sáng sớm, khi những nóc nhà còn mờ ảo trên độ cao gần 1.400 m, đã thấy tiếng các cô gái Mông í ới rủ nhau đi hái chè. Trong màn sương, những chiếc váy thổ cẩm sặc sỡ thấp thoáng trong tán chè xanh thẫm tạo nên khung cảnh thật huyền ảo. Cái công phu của việc hái chè shan tuyết là lựa ngày sương, rồi phải đi sớm hái nhanh sao cho kịp trước khi mặt trời thức dậy, sương còn đọng trắng trên búp non. Nếu để ánh nắng rọi lên lá sẽ kích thích quá trình quang hợp làm tăng vị chát, mất mùi hương, giảm chất lượng chè. Đôi bàn tay thoăn thoắt, thuần thục ngắt từng búp nõn nhưng vẫn nhẹ nhàng để không làm mất lớp tuyết trắng phủ bên ngoài, vì càng nhiều tuyết trắng thì tính dược liệu của chè càng mạnh.
Nhưng vụ xuân vào tháng 2-3 âm lịch mới cho ra những mẻ chè Shan Tuyết ngon nhất, tuyệt vời nhất. Theo lý giải của ông Giàng A Đằng - chủ cơ sở chế biến chè có thương hiệu nổi tiếng Đằng Trà thì chè chịu đựng giá buốt suốt mùa đông trên đỉnh núi, ngậm từng hạt sương sớm khi giao mùa, ủ từng khối mù mây mỗi sớm. Những cây chè lúc này hội tụ tất cả tinh hoa đất trời thiên nhiên ban tặng nên cho vị đượm hơn cả.
Tới đây, bạn còn được nghe bà con người Mông kể câu chuyện về đàn khỉ hái chè Shan tuyết. Người ta kể rằng, xa xưa để hái được chè, mà không phải leo lên cây chè, ông cha ta đã huấn luyện các chú khỉ để làm việc hái chè thay cho người. Các đồi chè cao gần 1400m, chênh vênh rìa núi mép vực được đàn khỉ leo lên, hái chè và ném gọn gàng vào quẩy tấu (gùi), người dân chỉ việc lấy gùi về nhà đem sao chế chè, không phải tốn công sức hái chè. Ngày nay những gốc cây chè shan tuyết cổ thụ với thân nhánh vạm vỡ vẫn còn nhìn thấy rõ vết tích của khỉ hái chè...
Nhìn ông Đằng pha trà cũng đã thấy bao điều thú vị. Nước được đun trong một chiếc ấm đất, sôi vừa độ thì tắt lửa. Một bộ ấm chén bằng sứ đã được rửa sạch để ráo. Những búp chè khô, cong hình móc câu còn phủ một lớp lông tơ trắng như tuyết được bỏ vào ấm. Ông bảo: Lúc cho chè khô vào ấm, lắc lắc có thể nghe thấy tiếng búp chè va vào thành ấm mà biết chè đạt độ khô ở mức nào, có chuẩn hay không. Sau đó nước sôi được rót vào từ từ cho đến khi bọt trào khắp ngoài ấm thì mới đậy nắp. Chừng 5 phút sau, trà ngấu sẽ được rót làm hai lượt ra đều các chén. Nhìn nước chè vàng xanh óng, hương thơm thoang thoảng, vị đậm, nhấp một ngụm nhỏ đã thấy vị chát lan tỏa, rồi dần dần biến thành vị ngọt hậu như muốn níu người phương xa ở lại.
Bên chén trà, ông Đằng còn hàn huyên về câu chuyện loại chè tuyệt hảo này còn được gọi cái tên rất độc đáo là chè “5 cực”. Ông lý giải: “cực” thứ nhất đó là “cực khổ”, để có thể hái được chè shan tuyết là một điều rất khó khăn, ngày nay không còn khỉ hái chè, người dân phải tự hái, rất vất vả mà chỉ được hái trong vài ngày đẹp nhất của mỗi mùa; “cực” thứ hai là “cực ngon”, khi hái chè, chỉ những búp chè ngon nhất, tươi nhất mới được hái, búp phải mẩy, đậm tuyết, hái chỉ một tôm mà không hái lá; “cực” thứ ba là “cực sạch”, chè được hái ở độ cao gần 1.400m so với mực nước biển, chè Shan tuyết Suối Giàng chỉ uống nước mưa trong lành và sương đêm; “cực” thứ tư là “cực đẹp”, chè Shan tuyết cổ thụ được trải qua một quá trình hoàn thiện chuyên nghiệp từ thu hái, chọn lựa cho đến sao chế và bảo quản. Sao chế chè Shan Tuyết phải dùng thứ than củi bằng gỗ sến, nhiệt độ vừa đủ để chè dậy hương, sao cho chế xong thấy mùi hương vị chè shan tuyết khô thôi cũng đã thấy nức lòng; Và “cực” cuối cùng là “cực đắt”, nhưng với chè Shan tuyết cổ thụ, số tiền bỏ ra để được thưởng thức chè không phải là lãng phí.
...Suối Giàng có tới 98% là người Mông, bà con sống với nghề hái chè và sản xuất chè từ nhiều đời nay. Thân thuộc tới mức, mỗi sân nhà đều có vài gốc chè, mỗi gia đình đều có nghề làm chè. Tuy giá chè Shan Tuyết có lúc lên tới 3 triệu đồng/kg, nhưng tới đây người ta không thấy cái vội vã, hay sự góp mặt của những công nghệ cao khi làm chè. Trái lại, trong không khí tinh khiết, bảng lảng sương, những bản người Mông vẫn giữ lối “sống chậm”, hàng trăm năm qua, họ vẫn chỉ sử dụng phương pháp thủ công để chế biến chè. Nhưng với người sành trà, đây mới chính là sức quyến rũ của trà Shan tuyết.
Lộ trình đi từ Hà Nội lên Yên Bái khoảng 150 km. Nhưng để đến được nơi “thủy tổ” của trà rừng Việt lại không đơn giản, bạn phải đi tiếp hơn 70 km để tới huyện Văn Chấn, rồi thêm 12 km đường khá hiểm trở, độ dốc lớn tới xã Suối Giàng. Từ tháng 10 đến tháng 11 là thời điểm lý tưởng để thưởng thức một chén chè Shan tuyết ấm lòng trên đỉnh Suối Giàng se lạnh. Ngoài đặc sản chè Shan tuyết, Văn Chấn còn nổi tiếng với vẻ đẹp thuần khiết của những bản người Mông, nếp Tú Lệ, gạo mường Lò, suối nước nóng bản Bon, bản Hốc... để bạn kết hợp thưởng thức. |