Nhiều chiến thắng liên tiếp trước các nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan trên dọc đường bờ biển Địa Trung Hải đã đẩy hàng trăm tay súng phiến quân, trong đó có cả thành viên của IS, tìm cách tới ẩn náu tại các vùng sa mạc rộng lớn của Libya - hiện đang là cục nam châm hút phiến quân từ các nước láng giềng.
Vùng sa mạc miền Trung và phía Nam Libya hiện là nơi ẩn náu của rất nhiều tổ chức phiến quân, bao gồm cả IS (Nguồn: Reuters).
Khu vực được cho là vô luật pháp ở miền Trung và miền Nam Libya đã biến nơi đây thành nơi ẩn náu lý tưởng cho những kẻ phiến quân muốn tìm cách tập hợp lực lượng, tuyển mộ và huấn luyện binh sỹ. Điều này đặc biệt đáng quan ngại trong thời điểm mà phiến quân IS đã thất trận không chỉ ở nhiều điểm ở Libya mà còn ở cả Iraq và Syria.
Ở Libya, trên vùng lãnh thổ trải dài tiếp giáp đường biên giới các nước Ai Cập, Sudan, Chad, Algeria, Niger và Tunisia, có vô số nhóm vũ trang đang hoạt động một cách tự do.
Bởi vậy mà vũ khí cũng luôn sẵn có trong các vùng này. Nạn buôn bán người, vận chuyển người trái phép vượt biên, và đặc biệt là xăng dầu, cũng đang hoành hành.
Việc thiếu các biện pháp kiểm soát biên giới hiệu quả đã cho phép những kẻ phiến quân đang chiến đấu chống Chính phủ Sudan và Chad thiết lập trại của chúng trên lãnh thổ Libya. Bên cạnh đó là dịch vụ cho thuê chiến binh ở một số khu vực thuộc Cameroon.
Những kẻ phiến quân “thường xuyên di chuyển đi và về ở vùng biên giới phía Nam và nhiều phần khác ở miền Trung, đánh cắp xe hơi và tấn công thường dân” - Tướng Abdullah Nouredeen, thuộc lực lượng quân đội quốc gia Libya (LNA) cho hay và thêm rằng: “Đôi lúc chúng hoạt động gần các vùng biên giới để buôn lậu vũ khí”.
Làn sóng di chuyển phiến quân này xuất hiện sau khi các lực lượng chính phủ đẩy lùi chúng ra khỏi các thành phố ven biển như Sirte, Bengazi, Sebratha và Derna. Và điều này đã khiến cho triển vọng phục hồi sự ổn định ở Libya bị tàn lụi.
Bà Claudia Gazzini - nhà phân tích thuộc Tổ chức Nghiên cứu Khủng hoảng quốc tế - cho hay những kẻ phiến quân thuộc IS hiện đang hoạt động ngầm ở vùng sa mạc phía Nam Libya, thường di chuyển thành từng đoàn xe nhỏ để tránh thu hút sự chú ý. Còn các nhóm khác lại hoạt động xung quanh thành phố Sirte, thỉnh thoảng tổ chức các vụ tấn công khủng bố.
Theo nhà phân tích trên, các thành viên tàn dư của IS sẽ cố gắng giành tầm ảnh hưởng và tìm cách thâu tóm các tổ chức vũ trang đang chống lại lực lượng quân đội quốc gia của Libya – hiện được Ai Cập hậu thuẫn.
Do cảm nhận được rõ nguy cơ này, Ai Cập đã bắt đầu kiểm soát chặt chẽ các đường biên giới của họ với Sudan và Libya, lo ngại rằng khu vực này có thể bị biến thành một chiến trường bên trong lãnh thổ của họ.
Mới đây, chính quyền Ai Cập cho hay những kẻ phiến quân IS đang chiến đấu chống lại họ ở bán đảo Sinai đã nhận được nguồn vũ khí và chiến binh từ Libya.
Họ nói rằng phiến quân IS cũng là những kẻ đứng đằng sau hàng loạt vụ tấn công đẫm máu nhằm vào người Công giáo ở nước họ, và những kẻ này đã được huấn luyện ở Libya sau đó tìm đường vào Ai Cập thông qua vùng sa mạc.
Giống như phần còn lại của Libya, các thị trấn và làng mạc nằm giữa sa mạc ở miền Trung và miền Nam nước này hiện bị đặt trong tình trạng vô luật pháp từ năm 2011 đến nay.
Trên khắp cả nước, các nhóm phiến quân đã chiếm quyền kiểm soát nhiều vùng dân cư, áp đặt luật lệ của chúng đối với chính quyền địa phương nhiều nơi.
Một số báo cáo nói rằng con số tay súng vũ trang của phiến quân hiện tại ở Libya vào khoảng 120.000 người, trong đó số chiến binh IS là khoảng 1.000 người… nhưng không có cách nào để chính thức xác nhận con số này.
Những khu vực nguy hiểm
LNA đã luôn tìm cách dẹp bỏ nạn phiến quân Hồi giáo ở Libya và giành quyền kiểm soát khu vực miền Trung và miền Nam, nhưng chỉ đạt được bước tiến hạn chế.
Họ cũng từng tuyên bố kế hoạch đóng cửa biên giới với Ai Cập, Sudan và Cộng hòa Chad trong tháng 7 này để ngăn chặn nguồn vũ khí, chiến binh và người di cư. Tuy nhiên, LNA khó có đủ nguồn lực để thực thi biện pháp này trên một khu vực rộng lớn đến vậy.
Tình trạng phiến quân hoành hành ở Libya nghiêm trọng đến nỗi, mới đây Công ty Dầu khí quốc gia nước này đã phải ngừng vận chuyển hàng tới khu vực miền Nam, sau khi hứng chịu hàng loạt các vụ cướp bóc đoàn xe chở dầu. Thường thì số dầu bị cướp sẽ được mang ra bán trên thị trường chợ đen hoặc ở các nước láng giềng.
Đáng lo ngại nhất trong số các vùng sa mạc ở Lybia chính là thung lũng Zamzam, cách thành phố Misrata 50 km về phía Nam. Rất nhiều tay súng của IS hiện coi thung lũng này là nơi trú ẩn của chúng sau khi bị thất trận trước các nhóm vũ trang thuộc chính phủ Libya mà LHQ hậu thuẫn hồi năm ngoái.
Các tay súng của IS ở Zamzam thường xuyên tổ chức các vụ tấn công khủng bố ở Misrata, quê hương của lực lượng quân sự đã quét chúng khỏi thành phố Sirte, cũng như tổ chức nhiều vụ bắt cóc du khách nước ngoài hoặc tấn công vào các điểm chốt quân sự.
Ngoài thung lũng Zamzam, một khu vực nguy hiểm không kém là al-Awaynat nằm ở phía Đông Nam Libya, gần biên giới Algeria và Niger. Nơi đây được coi là “trung tâm lính đánh thuê” do có hàng trăm chiến binh sẵn sàng nhận tiền để chiến đấu cho bất cứ phe phái nào. Những chiến binh này chủ yếu đến từ Cộng hòa Chad, Niger và Cameroon.