Ngày 3/6, Chính phủ lâm thời miền Đông Libya thông báo Quốc hội miền Đông sẽ hỗ trợ Chính phủ lâm thời thông qua “những thỏa thuận mới” để dỡ bỏ “những hạn chế” được áp đặt trong thỏa thuận chính trị được ký kết năm 2015 tại Maroc dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.
Các bên đối địch tại Libya trong cuộc họp tại Paris.(Nguồn: AFP/TTXVN).
Thông báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau Hội nghị Paris tập hợp các đảng, phái chính trị của Libya để thảo luận giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Bắc Phi.
Theo một tuyên bố của Chính phủ lâm thời ngày 2/6, Chủ tịch Quốc hội miền Đông Aguila Saleh đã tổ chức cuộc họp mở rộng với nội các của Chính phủ lâm thời để thảo luận về “những thỏa thuận mới” liên quan đến công việc của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Libya.
Ông Saleh cho biết các chính sách sẽ được Chính phủ lâm thời và Ngân hàng Trung ương Libya thông qua để cải thiện điều kiện sống và các dịch vụ công phục vụ nhân dân, phù hợp với kết quả của Hội nghị Paris.
Những thỏa thuận này được thực hiện dựa trên sự phối hợp giữa các bên liên quan gồm Thủ tướng Abdullah Thani, Thống đốc ngân hàng Trung ương Libya Ali al-Hebri và Tổng Tư lệnh quân đội Khalifa Haftar, dự kiến sẽ được công bố sau tháng lễ Ramadhan và Eid al-Fitr (giữa tháng 6/2018).
Tại Hội nghị Paris, Quốc hội miền Đông và Quân đội Libya cho biết chỉ thừa nhận vai trò của Chính phủ lâm thời. Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) mặc dù được Liên hợp quốc hậu thuẫn và quốc tế công nhận nhưng đã bị các thành viên của Quốc hội miền Đông tẩy chay.
Mặc dù, thỏa thuận chính trị giữa các đảng đối lập tại Libya đã được ký kết năm 2015 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, tiến tới thành lập GNA nhưng Libya vẫn bị chia rẽ về mặt chính trị giữa miền Đông và miền Tây.
Sau Hội nghị Paris, các bên đối lập Libya đã cam kết phối hợp tích cực với Liên hợp quốc để tổ chức các cuộc bầu cử đáng tin cậy, hòa bình và tôn trọng kết quả bầu cử - dự kiến được tổ chức vào ngày 10/12/2018.