Thảo luận tại hội trường sáng nay, các đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu thiếu và không có liêm chính trong soạn thảo, thẩm tra sẽ tạo ra những văn bản rất nhiều khuyết tật, mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản cũ.
Sáng 26/3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
ĐB Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) cho rằng: Quốc hội khoá XIV đã làm “tròn vai” trước nhân dân, với những quyết sách và kết quả đã được thể hiện trong các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ. Tuy nhiên cần quan tâm tới chuyện liêm chính trong xây dựng pháp luật.
Theo ông Bộ, cần lưu ý đến tính mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện và xây dựng pháp luật ngày 24/11/2020, là “cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật”. Liêm chính trong ứng xử xã hội là tự tạo áp lực cho chính mình trong việc thực hiện các hành vi xã hội và là nguyên tắc cho mỗi chúng ta trở thành công dân tốt.
Ông Bộ cho rằng, liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật là một nguyên tắc tối cần thiết, vì pháp luật điều chỉnh chung các quan hệ xã hội và thúc đẩy các quan hệ xã hội phát triển lành mạnh chứ không phải là công cụ để thể hiện lợi ích của một bộ phận nhỏ xã hội, nhất là bộ phận được giao soạn thảo luật.
Là cán bộ, công chức và đại biểu nhân dân, pháp luật là công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội, nên rất cần sự liêm chính. Bởi lẽ, nếu có liêm chính sẽ xây dựng được những văn bản khách quan toàn diện có ý nghĩa trong việc thúc đẩy quan hệ xã hội ngày càng tốt hơn.
“Sẽ không, hoặc rất ít chồng chéo với các văn bản pháp luật đã được các khoá trước kỳ công ban hành, không quy định lợi ích thô thiển của bộ, ngành, đặc biệt bộ ngành được giao soạn thảo dự án luật” - ông Bộ nói và cho rằng nếu thiếu và không có liêm chính trong soạn thảo, thẩm tra sẽ tạo ra những văn bản rất nhiều khuyết tật, mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản cũ.
Cũng theo ông Bộ: Văn bản đó sẽ là công cụ để cơ quan soạn thảo, hoặc hiện thực hoá của bộ ngành mình, trong đó có lợi ích xung đột với lợi ích của nhân dân. Vòng đời của các văn bản rất ngắn, kéo theo Chính phủ, Quốc hội phải tốn kém thời gian, công sức, kinh phí ban hành văn bản thay thế. Trong khoá này, đa số tuyệt đối là có liêm chính. Chính sự liêm chính đó mà Quốc hội đã thảo luận và thông qua rất nhiều văn bản là một phần của thể chế tốt đẹp thúc đẩy xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế.
“Mặc dù rất ít, nhưng vẫn còn sự thiếu liêm chính, đặc biệt là sự thiếu liêm chính có chủ ý” - ông Bộ nói. Và ông Bộ cũng chỉ ra thực tế, có những hồ sơ dự án luật chất lượng rất thấp được trình ra Quốc hội, làm Quốc hội mất thời gian để thảo luận.
Do đó theo ông Bộ, Quốc hội và cơ quan soạn thảo cần có giải pháp để khởi động lại sự liêm chính trong xây dựng luật. Đặc biệt cơ quan thẩm tra, các ĐBQH luôn nghĩ đến sự liêm chính khi cho ý kiến về các dự án luật.
Theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) tại kỳ khắc cuối cùng của nhiệm kỳ mỗi ĐBQH còn băn khoăn trăn trở. Chất lượng các luật được thông qua và khái niệm tham nhũng chính sách. Quốc hội hóa XIV đã thông qua những đạo luật đảm bảo chất lượng, công khai minh bạch và công bằng, không để tham nhũng chính sách. Tuy nhiên nếu rà soát kỹ các quy định trong tổ chức thực hiện thấy có những quy định nếu như không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách.
Đây là việc cố tình đưa vào các luật mà khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân nhất định. Hành vi này đặc biệt nguy hiểm vì tạo căn cứ pháp lý, bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống.
Đưa ra dẫn chứng, bà Mai cho rằng đó chính là việc còn để các quỹ tài chính ngoài ngân sách trong nhiều đạo luật.
Trên cơ sở giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 792 đề nghị rà soát và loại bỏ các quỹ hoạt động không hiệu quả.
“Bên cạnh những quỹ hoạt động hiệu quả thì hiện nay trong thực tế đang tồn tại hơn 40 quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong đó có những quỹ gây lãng phí rất lớn cho ngân sách nhà nước. Và điều đáng băn khoăn trong số 72 đạo luật được Quốc hội thông qua thì vẫn còn nhiều luật, có đến ¼ số luật có quy định đề xuất và thành lập duy trì các loại quỹ tài chính ngoài ngân sách. Một dư địa khác có thể dẫn đến tham nhũng chính sách đó là các quy định liên quan đến quản lý đất đai từ đền bù giải phóng mặt bằng, định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất. Ngoài ra các quy định liên quan đến ưu đãi trong thực hiện các nghĩa vụ tài chính về quy trình thủ tục phân cấp phân quyền trong các dự án cũng là mảnh đất phát sinh nguy cơ tham nhũng chính sách” - bà Mai nói.
Từ đó bà Mai cho rằng, Quốc hội khóa tới cần quan tâm tới những vấn đề đề cao chất lượng khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật. Đề cao việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể tác động trực tiếp của chính sách.