Từ ngày 3 đến ngày 5/12, tại Ninh Bình, Liên hoan hát Xẩm khu vực phía Bắc năm 2019 sẽ được Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) phối hợp với Sở VHTT Ninh Bình, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc - Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc tổ chức.
Liên hoan có sự tham gia của 15 CLB tham dự. Trong đó có các “chiếu” Xẩm như Xẩm Hà Thành, xẩm Hải Phòng, CLB xẩm Quảng Ninh, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa… Mỗi CLB được tham gia 3 tiết mục (mỗi tiết mục 15 phút), trong đó có cả tác phẩm xẩm cổ và tác phẩm mới. Ngoài các tiết mục dự thi, Liên hoan dự kiến sẽ có thêm các hoạt động bên lề như: Tọa đàm về nghệ thuật hát Xẩm; các đoàn thắp hương tri ân nghệ nhân Hà Thị Cầu; Biểu diễn các tiết mục quảng bá hình ảnh về văn hóa, du lịch của Ninh Bình tại bến thuyền Tam Cốc.
Liên hoan được tổ chức là dịp tuyên truyền và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, nghệ thuật hát Xẩm nói riêng; góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ hát Xẩm các tỉnh tham dự Liên hoan có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và học hỏi nhằm nâng cao chuyên môn về nghệ thuật hát Xẩm.
Ông Nguyễn Mạnh Cường- Giám đốc Sở VHTT tỉnh Ninh Bình cho biết: Liên hoan các CLB hát Xẩm khu vực phía Bắc là dịp giới thiệu tới công chúng trong nước và du khách quốc tế những giá trị của loại hình nghệ thuật Xẩm độc đáo của Việt Nam. Tỉnh Ninh Bình đăng cai Liên hoan lần này bởi đây được coi là cái nôi của bộ môn nghệ thuật hát xẩm. Địa phương đang phát triển nhiều CLB hát Xẩm, trong đó có nhiều trẻ em và người cao tuổi theo học. Ninh Bình cũng là quê hương của cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu - nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX. Sau liên hoan này, tỉnh Ninh Bình sẽ cùng các tỉnh khu vực phía Bắc chuẩn bị lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hát Xẩm là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và hướng tới tổ chức Liên hoan định kỳ 2 năm/lần. Sau đó, BTC có kế hoạch xây dựng những điều kiện để làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Theo kế hoạch, tại Lễ Bế mạc Liên hoan, BTC sẽ trao 5 giải A (trị giá 20 triệu đồng), 5 giải B (trị giá 15 triệu đồng), 5 giải C (trị giá 10 triệu đồng) và 30 giải Khuyến khích.