Liên hợp quốc ngày 31/5 đã kêu gọi huy động 75,5 triệu USD để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và di cư ngày càng trở nên trầm trọng tại Libya.
Ảnh minh họa.
Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết quỹ trên sẽ được dành cho việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho những người buộc phải rời bỏ nhà cửa, người tị nạn và những người đang xin hưởng quy chế tị nạn. UNHCR cũng sẽ phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) triển khai sáng kiến này.
Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi nhấn mạnh cần chung tay để tháo gỡ những việc cấp bách ở Libya, đồng thời khẳng định Liên hợp quốc đang nỗ lực tạo ra sự thay đổi cho hàng trăm nghìn người dân đang sống trong cảnh thiếu đói vì chiến tranh tại quốc gia Bắc Phi này.
Trước đó, IOM cũng đã kêu gọi quyên góp 180 triệu USD trong ba năm nhằm cải thiện điều kiện nhân đạo tại Libya - nơi vốn được xem là một “trạm chung chuyển” của những người di cư châu Phi tìm đường đến châu Âu với hy vọng sẽ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Theo thống kê của IOM, kể từ đầu năm đến nay đã có tới 1.481 trường hợp người di cư thiệt mạng trên Địa Trung Hải và hơn 1.720 người mất tích.
Cùng ngày, UNHCR đã hối thúc Chính phủ Maroc và Chính phủ Algeria mở một hành lang an toàn cho hàng chục người tị nạn Syria mắc kẹt tại vùng giới tuyến giữa hai quốc gia này, trong đó có cả phụ nữ mang thai và trẻ em.
Kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra vào năm 2011, hàng triệu người dân nước này đã buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Mới đây, thêm 3.400 người di cư đã được giải cứu ở ngoài khơi Libya, nâng tổng số người di cư châu Phi được giải cứu trong 4 ngày qua lên 10.000 người.
Số liệu thống kê của LHQ cho thấy từ đầu năm tới nay, hơn 50.000 người di cư đã đặt chân tới các khu vực bờ biển Italy. Cũng trong khoảng thời gian này, hơn 1.400 người khác đã chết đuối hoặc mất tích trên biển.
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), có ít nhất 1.229 người đã chết đuối khi dấn thân vào các chuyến đi mạo hiểm để đến được châu Âu. Cứ trung bình 39 người được cứu sống thì có một người thiệt mạng.
Trong số 181.000 người di cư đến Italy năm 2016, khoảng 90% đi qua Libya. Quốc gia Bắc Phi này đã hối thúc châu Âu, đặc biệt là Italy, hỗ trợ kiểm soát biên giới phía Nam, con đường người di cư từ các nước Nam sa mạc Sahara đi qua để vào nước này.
Thống kê của Bộ Nội vụ Italy cho thấy có khoảng 46.000 người di cư đã tới quốc gia này bằng đường biển từ đầu năm đến nay, bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này chưa tính đến số người di cư được cứu sống mới đây.