Để giải quyết khó khăn trong công tác tuyển sinh năm 2016, Bộ GD&ĐT đã đưa ra phương án dự kiến, trong đó có việc để các trường khó tuyển sinh trở thành một phân hiệu của các trường khác hoặc tổ chức để các trường đó liên kết đào tạo với các trường uy tín... TS Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT), Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng GDĐH (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) có cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này.
TS Lê Viết Khuyến. (Ảnh: N. Khánh).
- Kỳ tuyển sinh năm 2015 mặc dù có tới 4 đợt xét tuyển nguyện vọng, nhưng vẫn có khá nhiều trường ĐH, CĐ không tuyển đủ TS. Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác tham mưu, hỗ trợ phát triển các trường ĐH, CĐ, ông nhìn nhận nguyên nhân của việc không tuyển sinh được là do đâu?
TS Lê Viết Khuyến: Khó tuyển sinh có nhiều nguyên nhân lắm. Những trường công, đặc biệt là những trường công tốp trên thì đáng lí phải giữ cho thương hiệu các trường, chỉ tiêu tuyển sinh các trường hạn chế thôi. Và các trường đó phải lấy điểm đầu vào rất cao, như nhiều nước người ta vẫn làm để giữ thương hiệu, giữ được chất lượng. Chứ đằng này các trường, kể cả trường tốp trên “xả láng” về chỉ tiêu tuyển sinh, rồi các trường cũng xài hết chỉ tiêu đó. Phải hạ điểm điểm sàn xuống. Khi mà vét điểm sàn thì các trường tốp giữa và tốp dưới làm gì còn sàn nữa, cho nên cũng không tuyển được TS.
Một nguyên nhân nữa, ở các nước, người lao động đều phải có chứng chỉ nghề nghiệp, dù làm nghề đơn giản như sửa móng tay cũng phải có chứng chỉ nghề nghiệp mới được hành nghề, còn Việt Nam mình thì bất cần. Cho nên thống kê mới nhất của Tổng cục thống kê có đến hơn 80% lao động đang làm việc không có chuyên môn kỹ thuật, tức là không có quản lý nguồn lực lao động. Cho nên mới dẫn tới thất nghiệp.
Một chuyện nữa phải tính đến, đó là thực hiện phân luồng sau THCS, theo đúng tinh thần NQ 29. Suốt nhiều năm nay cứ học hết Tiểu học lên THCS, rồi THPT. Nếu như thực hiện phân luồng sau THCS, chỉ khoảng 50% là vào THPT, khoảng 30% hoặc hơn vào Trung học nghề thì áp lực vào ĐH, CĐ sẽ ít đi. Lúc đó không có chuyện không tuyển được nguồn nữa. Có trường nói thiếu tới 700 chỉ tiêu, hay thiếu đến 2000 chỉ tiêu. Cho nên việc này phải xem xét một cách nghiêm túc.
- Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, hướng để giúp các trường khó tuyển sinh là cho các trường liên kết với nhau cùng tuyển sinh, các trường bé trở thành một phân hiệu của trường ĐH lớn… quan điểm của ông thế nào?
Chuyện đánh giá chất lượng của một trường thì phải tiến hành kiểm định, chứ không thể nói chung. Trường nào mà người ta chịu nhận là chất lượng người ta kém? Cho nên phải có cơ chế kiểm định. Lúc đó sẽ đưa ra chế tài. Chứ còn bây giờ chẳng có chế tài gì, dựa vào tuyển sinh không đủ thôi thì không được.
Trên thế giới cũng có chuyện sát nhập các trường, các trường bé sát nhập vào trường lớn, tuy nhiên người ta chỉ làm với trường công, vì đó là các trường công hoạt động bằng ngân sách nhà nước. Chứ bắt các trường tư sát nhập thì không được. Ở nước ngoài trường tư nếu không tuyển sinh được họ thấy không thể gánh nổi thì sẽ tự xin giải thể chứ không phải ép. Còn là trường công thì phải đảm bảo quy mô, Nhà nước đầu tư, Nhà nước có quyền làm. Nhưng việc này cũng là vấn đề cần phải rành mạch rõ ràng.
- Với những trường khó tuyển sinh, liệu có biện pháp nào tồn tại không, thưa ông?
- Đối với hệ thống Nhà nước thì chính sách phải thay đổi, để cho các trường có quyền tự quyết định tuyển sinh, tự chủ tuyển sinh chứ không có can thiệp. Quan điểm của tôi không phải Nhà nước không đứng ra làm kỳ thi để hỗ trợ các trường tuyển sinh. Nhưng kỳ thi đó các trường hưởng ứng hay tự tổ chức riêng là quyền của các trường. Nhưng thực tế ở mình, có khá nhiều các trường vì là trường chuyên ngành (kể cả trường công có đẳng cấp) không đủ đội ngũ giáo viên để ra đề, làm đề , họ vẫn cần hỗ trợ của Nhà nước. Kỳ thi được xem như là dịch vụ công, còn xử lý kết quả thi như thế nào là quyền của các trường. Họ muốn tổ chức thi thêm, thi riêng là quyền của họ.
- Nếu để cho các trường tự tuyển sinh thì tỉ lệ ảo sẽ rất lớn. Có phương án nào để giảm tỉ lệ ảo không, thưa ông?
- Phương án giảm tỉ lệ ảo thì các nước vẫn có. Họ chia ra làm 3 loại trường, ví dụ như ở Việt Nam những trường trọng điểm, trường trung ương là một loại trường, những trường ĐH ở các địa phương là loại trường thứ 2, còn loại trường thứ 3 là trường CĐ. Và quy định là nếu như muốn vào được trường tốp 1 thì anh chỉ được lấy 1/6 ở tốp trên số TS tốt nghiệp THPT, còn tốp giữa lấy trong khoảng 1/3 tốp trên đầu chẳng hạn.
Còn tốp cuối có thể qua được mức tối thiểu, thực ra là điểm tối thiểu không phải điểm sàn mà qua điểm tốt nghiệp THPT. Nhưng tốt nghiệp THPT không phải lấy điểm tốt nghiệp với khoảng 99,3% mà điểm phải làm cho nghiêm chỉnh. Như thế đồng thời các trường căn cứ vào kết quả thi của TS và TS cũng đã xác định được sẽ vào khối trường nào.
- Xin cảm ơn ông!