“Dù việc doanh nghiệp (DN) bán lẻ nước ngoài thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam sẽ mang lại nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng, nhưng cũng cần tỉnh táo. Chúng ta có thể thấy bài học từ thị trường sữa nếu để đại gia ngoại chi phối. Muốn thị trường bán lẻ không bị thâu tóm, doanh nghiệp Việt phải liên kết lại để thực sự mạnh hơn. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH đã chia sẻ như vậy với Đại Đoàn Kết.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa.
PV:Từng là lãnh đạo DN bán lẻ nội địa lớn nhất là Saigon Coop, ông có bình luận gì về cuộc đua chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam của các đại gia ngoại đến từ Thái Lan, Nhật Bản…trong suốt thời gian qua?
Ông Nguyễn Ngọc Hòa: Như chúng ta đã biết, trong kinh tế thị trường, người nào chi phối thị trường sẽ chi phối giá bán. Vì thế, dù việc DN bán lẻ nước ngoài thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam sẽ mang lại nhiều cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng, thì cũng cần tỉnh táo.
Chúng ta có thể thấy hệ quả từ bài học của thị trường sữa, khi người dân nước ta đang phải mua sữa với giá cao so với mặt bằng chung trên thế giới, đặc biệt là cao hơn thu nhập của người dân. Do đó, ai nắm thị trường bán lẻ Việt Nam là bài toán phải xem xét kỹ càng. Đừng để xảy ra chuyện mất bò mới lo làm chuồng.
Có vẻ “sức khỏe” DN Việt Nam khá kém thế nên khó cạnh tranh khi các nhà đầu tư ngoại trước đó đã rút lui. Theo ông vì sao DN bán lẻ của chúng ta lại dễ dàng bị thôn tính như vậy?
- Có thể nói, sự ứng phó của DN trong nước, cũng như chiến lược để phát triển phân phối nội địa của nước ta đã quá chậm. Điều này đáng ra phải làm từ 5 - 10 năm trước, song đã bị bỏ lỡ, chủ yếu phát triển một cách tự phát. Các DN bán lẻ nội địa nhìn chung thiếu chiến lược phát triển dài hạn. Ngay cả đơn vị có chỗ đứng trên thị trường nội địa cũng chưa chuẩn bị tốt để đối phó với quá trình thâu tóm của các tập đoàn nước ngoài. Trong khi đó, DN bán lẻ trong nước gần như đứng ngoài việc mua bán, sáp nhập, khiến thị trường của họ ngày càng bị thu hẹp.
Về phía Nhà nước, công cụ hỗ trợ bán lẻ nội địa là quyền kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) đối với DN bán lẻ nước ngoài khi mở cơ sở thứ hai được quy định tại Cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam.
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào tình hình thực tế để xem xét có cấp phép mở từng cơ sở bán lẻ cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay không trừ cơ sở bán lẻ thứ nhất. Nhưng từ khi đàm phán đến thực thi Cam kết này, nước ta vẫn chưa sử dụng hữu hiệu, còn thiếu sự kiểm soát tập trung, chủ yếu là phân tán cho các địa phương thực hiện.
Trong khi đó, địa phương khao khát vốn đầu tư nước ngoài, nên sẵn sàng mở rộng cửa cho các nhà bán lẻ FDI. Nói cách khác, khả năng bảo vệ bán lẻ trong nước của ENT chỉ tồn tại trên lý thuyết.
Nghĩa là chúng ta phải chấp nhận một thực tế đáng buồn là thị trường bán lẻ của ta dần rơi vào tay nhà đầu tư ngoại thưa ông?
- Đúng vậy, nếu không có giải pháp hữu hiệu, DN bán lẻ nội địa ngày càng bị thu hẹp thị phần. Hiện, nhiều đơn vị đã rút lui khỏi thị trường bằng việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc rút lui từng phần, và đa số đều bị DN nước ngoài thâu tóm.
Đây là mối đe dọa lớn với hệ thống phân phối nội địa, bởi thị trường tiêu thụ sẽ dẫn dắt các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mối đe dọa này đang tiếp tục càng lớn hơn khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ xóa bỏ nhiều hàng rào thuế quan.
Cần giải pháp gì để “cứu” thị trường bán lẻ nếu không hệ lụy nhãn tiền là hàng Việt sẽ thua trên chính sân nhà thưa ông?
Tôi cho rằng , DN Việt đã khá chậm chân để thị trường nội ngày càng bị thu hẹp nhưng dù đã chậm trễ, chúng ta vẫn phải có hành động, không thể án binh bất động, phó mặc theo vận động của thị trường. Do đó, các DN bán lẻ nội địa phải tự nguyện liên kết với nhau, không được tiến hành một cách hình thức.
Chẳng hạn, đơn vị yếu hơn tự nguyện liên kết với người mạnh hơn để đủ sức chống chọi. Ngược lại, DN mạnh hơn cũng không nên cho rằng vì mình mạnh nên có thể gây áp lực với đơn vị yếu, mà phải thấy liên kết như vậy sẽ giúp mình mạnh hơn.
Ở đây không phải người mạnh giúp người yếu, mà là sự hợp tác thực tâm, sẵn sàng chia sẻ với nhau để giải quyết được bài toán đang đặt ra với doanh nghiệp bán lẻ nội địa. Mối liên kết này phải là giữa những người hiểu rõ liên kết để tự cứu mình. Bởi nếu các doanh nghiệp Việt cứ đơn lẻ chống lại các đại gia ngoại mạnh về mọi mặt thì chúng ta sẽ thua.
Trân trọng cảm ơn ông!