Tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung (ngày 20/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xác định 5 trụ cột kinh tế cho khu vực này, trong đó có du lịch. Miền Trung bao gồm 14 tỉnh/thành phố, tính từ Thanh Hóa trở vào tới Bình Thuận, là khu vực nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng tới nay vẫn chưa cất cánh như kỳ vọng.
Vẻ đẹp khác lạ của ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên).
Theo con số của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, năm 2018, các tỉnh miền Trung đón khoảng 9,8 triệu lượt khách quốc tế, chiếm khoảng 1/3 tổng lượng khách quốc tế đi lại trong toàn quốc. Khách du lịch nội địa đi lại trong vùng đạt gần 50 triệu lượt, chiếm gần 27% tổng lượng khách du lịch nội địa đến 63 tỉnh thành trong cả nước. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 85 nghìn tỷ đồng, chiếm 17% tổng thu du lịch của cả nước.
Miền Trung là vùng “non xanh nước biếc”, với rừng núi chập chùng, những bờ biển, vịnh, đảo tuyệt đẹp. Đây cũng là nơi tập trung nhiều di sản tầm vóc thế giới được UNESCO công nhận, bao gồm di sản kiến trúc, văn hóa-lịch sử, di sản thiên nhiên… Miền Trung có thành phố Festival Huế, “thành phố đáng sống” Đà Nẵng, vịnh biển Nha Trang đứng trong tốp 10 vịnh biển đẹp của thế giới. Nói về di sản kiến trúc, đến với miền Trung không thể không đến với thành nhà Hồ (Thanh Hóa); đền đài miếu mạo, lăng tẩm Huế; đô thị cổ Hội An; những tòa tháp Chăm Mỹ Sơn (Quảng Nam)… rồi theo đó xuôi vào Nam là các tòa tháp Chăm Bình Định, Tuy Hòa, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận. Danh lam thắng cảnh thiên nhiên là xứ Nghệ “như tranh họa đồ”; là Phong Nha-Kẻ Bàng nơi sở hữu hệ thống hang động bậc nhất thế giới; là đèo Hải Vân hùng vĩ; là các bãi biển tuyệt đẹp: Thuận An- Lăng Cô (Huế), Mỹ Khê (Đà Nẵng), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Ghềnh Ráng (Quy Nhơn), ghềnh Đá Đĩa (Tuy Hòa), Ninh Chữ (Ninh Thuận), Cà Ná (Bình Thuận). Bờ biển miền Trung nhiều nắng gió, có thể du lịch quanh năm. Ở khu vực này, người ta còn dễ dàng lướt sóng biển đến với những hòn đảo rất đẹp, như Cù Lao Chàm (Quảng Nam); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Hòn Tre, hòn Tằm, hòn Mực (trong vịnh Nha Trang); Phú Quý (Phan Thiết)…
Miền Trung lại rất lợi thế khi giáp với Tây Nguyên hùng vĩ, nơi có không gian văn hóa cồng chiêng, có trường ca Đam San-Xinh Nhã; có những con suối róc rách đêm ngày cùng những dòng sông cuồn cuộn chảy. Đây cũng là quê hương của nhà rông, nhà dài, những đêm kể Khan với đặc sắc văn hóa không phải nơi nào cũng có được.
Nói vậy để thấy tiềm năng du lịch của miền Trung là rất lớn. Nhưng, để phát triển ngành “công nghiệp không khói” này lên tầm cao mới, đúng với tầm vóc thì lại là vấn đề khác.
Khi lý giải nguyên nhân vì sao du lịch tại vùng đất đầy tiềm năng này chưa thật sự cất cánh, các nhà quản lý, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên là việc thiếu “nhạc trưởng” để liên kết các địa phương trong vùng, để “cùng thắng”. Nói dễ hiểu, sự phát triển du lịch khu vực này chủ yếu vẫn theo cách mạnh ai nấy làm. Địa phương nào cũng cố gắng khai thác tối đa tiềm năng của mình, nhưng lại ít chú ý đến tính liên kết với các địa phương khác, để tạo thành chuỗi du lịch giống như chuỗi giá trị của hàng hóa từ sản xuất đến kinh doanh.
Lấy ví dụ: Từ Huế, ra phía Bắc, du khách có thể đến Phong Nha-Kẻ Bàng; vào Nam có thể đến Đà Nẵng, Mỹ Sơn, Hội An. Đó là tour có tính tiểu vùng. Còn nếu tour liên vùng (bắt đầu từ Thanh Hóa và dừng lại ở Bình Thuận), dọc theo Quốc lộ 1 hoặc đường Hồ Chí Minh, trong vòng từ 5 ngày đến 1 tuần có thể đến với nhiều điểm. Đó chính là hình thức du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm hết sức thú vị.
Cũng do sự thiếu liên kết, tới nay các tỉnh duyên hải miền Trung không nhiều “gắn bó” với các tỉnh Tây Nguyên (trừ mối liên kết tự nhiên có sẵn). Chính vì thế đã không tạo ra sức mạnh cho việc phát triển.
Điều đáng nói là cho đến trước Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung (tổ chức hôm 20/8 vừa qua), thì khu vực này cũng đã có nhiều cuộc họp bàn, nhằm tìm ra tiếng nói chung trong sự hợp tác phát triển. Nhưng kết quả thu được không rõ ràng.
Cách đây chưa lâu, ngày 5/5/2018, tại thành phố Huế, Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức Hội nghị Liên kết phát triển các khu kinh tế và khu công nghiệp. Tại đây, nhiều ý kiến đã thẳng thắn mổ xẻ nguyên nhân níu chân sự phát triển, mà nổi lên cũng vẫn lại là thiếu tính liên kết, thiếu “nhạc trưởng”. Nói như TS Trần Đình Thiên thì muốn liên kết phát triển, trước hết cần phải có một thể chế vùng đủ quyền và đủ lực. Người ta nhận ra rằng, sự hợp tác còn mang tính hình thức, chủ yếu vẫn là nhất trí tại hội nghị, hội thảo. Nhưng khi tan họp, lãnh đạo các địa phương chia tay nhau thì sự liên kết vẫn ít được triển khai trên thực tế.
Vậy, rồi đây sự liên kết đó sẽ diễn ra như thế nào? Ai sẽ là “nhạc trưởng”? Xin nhắc lại, lãnh đạo các địa phương trong vùng đã từng nhiều lần ngồi lại với nhau để bàn thảo, nhưng kết quả thực tế không nhiều. Lần này, với sự chỉ đạo của Thủ tướng, hy vọng các tỉnh miền Trung giàu tiềm năng sẽ thực sự bắt tay liên kết, để cùng chung một ước mơ, một hy vọng cùng cất cánh trong một tương lai gần.