Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, hội nhập tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt đang rất cần tận dụng cơ hội để phát triển mạnh hơn. Trường hợp yếu thế vì nhỏ bé thì DN phải biết liên kết để tạo thành sức mạnh tổng hợp trong cạnh tranh kinh doanh. Vấn đề này càng trở nên nóng bỏng, thúc giục các DN trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) vừa mới thành lập.
Liên kết để tăng cường năng lực xuất khẩu. (Ảnh: TL)
Chủ động bắt tay
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho biết, trong 4 khu vực kinh tế hiện nay thì khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đứng đầu về tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, khoảng 3/4. Trong khi đó, DN tư nhân của Việt Nam đông nhưng yếu nên không thể phát triển mở rộng thêm về quy mô tăng tính cạnh tranh. DN cần đẩy mạnh đổi mới phương thức kinh doanh, quản lý, tiếp cận thị trường…
Nhìn vào thực tế phát triển của cộng đồng DN Việt, ông Nguyễn Ngọc Hưng - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM khẳng định, DN Việt có vẻ thờ với các cơ hội mang tính đón đầu. Song thực tế muốn làm như các DN ngoại hoàn toàn không đơn giản. Đa phần DN dệt may Việt nhập 90% sợi để gia công, ngoài ra do thiếu vốn nên không tạo được sức bật trong hoạt động đầu tư. Trong khi đó, với DN nước ngoài, muốn đầu tư nhà máy sợi tốn hơn 100 triệu USD.
Chính thế mà đến thời điểm hiện nay chưa có những nhà máy sản xuất vải “made in Vietnam” đủ lớn có thể đáp ứng nguyên liệu dệt may xuất khẩu. Tuy nhiên, đã có DN FDI đầu tư nhà máy sợi tại Việt Nam với tổng mức vốn là 800 triệu USD. Dựa vào con số thực tế của các công ty nước ngoài, ông Hưng khẳng định, rõ ràng DN Việt đang rất yếu, đặc biệt là tài chính. Bởi theo thống kê, nhiều DN có doanh thu dưới 50 tỷ đồng chiếm tỷ lệ lớn.
Thiết nghĩ, DN nội cần phải liên kết với các DN FDI tạo thành sức mạnh trong sản xuất kinh doanh. Đơn cử, Công ty Việt Hương kết hợp với DN Hồng Kông đầu tư nhà máy sợi tại Bình Dương với số vốn 200 triệu USD. “Chúng ta nhỏ bé hơn DN FDI thì chúng ta phải tìm hướng đầu tư “ngách” bằng cách bắt tay cùng hợp tác” - theo ông Hưng.
Nhìn vào sức mạnh của DN ngoại, đồng thời tự tiên lượng sức khỏe DN nội nhiều quan điểm thể hiện mong muốn, DN nên tìm hướng đi mới để cạnh tranh tốt hơn khi Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) mới thành lập và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự báo được các nước ủng hộ trong năm 2016. Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Tranh, TPP là “cơn bão cơ hội” với 12 cổng xuất khẩu hàng hóa mà DN chỉ gia công, lấy công làm lời thì hơi phí. DN Việt Nam không nên ngồi chờ mà phải bắt tay, liên kết với các đối tác khác trong hoạt động đầu tư.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tranh cho rằng, điểm yếu của DN Việt Nam là không mạnh dạn đổi mới đầu tư, lúc nào cũng bảo lưu quan điểm truyền thống là xuất khẩu sản phẩm thô. Ông Tranh cho biết, cách đây hơn một năm, ông có tư vấn cho một DN xuất khẩu gạo vào thị trường Australia để họ liên kết với 1 trong 2 đại siêu thị của Úc. Nhưng DN này lại không mạnh dạn xây dựng thương hiệu và bán sản phẩm tinh. Cuối cùng họ quyết định bán gạo cho Thái Lan với giá 300 USD/tấn.
Còn DN Thái Lan thì chế biến gạo Việt và bán vào thị trường Australia với giá 1.200 USD/tấn. Không riêng gì hạt gạo, nhiều DN Việt còn bán sản phẩm thô vào thị trường các nước. Sau đó, DN nước ngoài thêm mắm, muối cho sản phẩm rồi bán với giá đắt hơn 3 – 4 lần giá ban đầu. Do đó, “Nếu không gia tăng chất lượng sản phẩm thì cơn bão cơ hội sẽ hất tung DN".
Các doanh nghiệp Việt đang cần sự liên kết để tận dụng cơ hội
trong hội nhập, tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt (Ảnh S.Xanh).
“Cởi trói” để DN tự bơi
Dự báo về tình hình đầu tư sắp tới nhiều ý kiến khẳng định, TPP sẽ tạo điều kiện thu hút một lượng lớn FDI từ các nước. Minh chứng cho sự “đổ bộ” của các DN ngoại chuyên về nhuộm, dệt từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ… vào thị trường Việt trở nên rõ nét hơn. Đơn cử, Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long thuộc tập đoàn Dệt may Texhong (Hồng Kông) đã khánh thành giai đoạn 1 của dự án nhà máy sản xuất sợi 300 triệu USD tại tỉnh Quảng Ninh, nâng số nhà máy của Texhong tại Việt Nam lên 4 nhà máy.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án 660 triệu USD của Công ty Hyosung Đồng Nai tại KCN Nhơn Trạch, trong đó chủ yếu sản xuất các loại vải, sợi. Tương tự, UBND tỉnh Bình Dương trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) đầu tư vào dự án sản xuất hàng may mặc trị giá 274 triệu USD… Các DN trên không tham gia TPP nhưng họ muốn chiếm lợi nhuận từ hiệp định thương mại này.
Trước tình hình mới của hội nhập kinh tế chung, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hội nhập không ở đâu xa xôi. Hội nhập phải bắt đầu ngay nội tại của Việt Nam. DN phải chủ động đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, đổi mới quản lý theo hướng hiện đại, mạnh dạn thâm nhập thị trường các nước bằng cách cung cấp các sản phẩm mà thị trường cần, thay vì cung cấp sản phẩm DN tự có.
Từ đó, Chính phủ phải lấy DN tư nhân làm trụ cột phát triển kinh tế chứ không thể dựa vào DN FDI. Lý do, DN FDI đóng góp vào ngân sách khá cao nhưng tính bền vững lại không có. PGS. TS Phạm Duy Nghĩa mong muốn, ngoài nỗ lực vượt khó phát triển của DN, Chính phủ cần sớm “cởi trói” cho cộng đồng này. Bởi vì, hiện nay DN đang mất khoảng 70% thời gian kinh doanh để tiếp xúc với chính sách, thủ tục hành chính rườm rà.