Liên kết để phát triển vùng kinh tế trọng điểm là vấn đề hết sức quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế việc liên kết vẫn chưa phát huy được những thế mạnh để tạo ra động lực tăng trưởng. Nguyên nhân từ đâu?
Ông Bùi Đức Thụ.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Đức Thụ, chúng ta đã có chủ trương phát triển vùng kinh tế trọng điểm từ khá sớm, nhưng suốt thời gian qua chưa phát huy được thế mạnh và trên thực tế liên kết còn lỏng lẻo, tỉnh nào vẫn lo cho tỉnh đó nên liên kết vùng gần như bị bỏ ngỏ. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc họp để rà soát, đánh giá lại những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, đặc biệt là nguyên nhân để từ đó tháo gỡ khó khăn nhằm lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường liên kết vùng phát huy được các lợi thế, thế mạnh của từng vùng để trở thành những “quả đấm thép”, “đầu tàu kinh tế” đưa nền kinh tế của đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Về nguyên nhân, theo ông Thụ, liên kết vùng chưa phát huy được thế mạnh là do cơ chế lỏng lẻo. Mặt khác do cơ chế thẩm quyền thuộc về từng tỉnh, ngân sách giao cho tỉnh nên HĐND tỉnh quyết định, còn UBND tỉnh điều hành dẫn đến tình trạng phát triển kinh tế, thực hiện các mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ bị chia cắt theo từng tỉnh. Còn phối hợp giữa các tỉnh chưa có một thể chế, cơ chế hình thành bắt buộc để đảm bảo sự phối hợp thực hiện thế nào cho tốt.
Vậy, làm sao thực hiện liên kết vùng trong điều kiện hiện nay? Theo ông Bùi Đức Thụ, rất cần vai trò của Chính phủ, lãnh đạo, chỉ đạo giữa các địa phương phối hợp hình thành và phát triển liên kết vùng trên cơ sở kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Từ đó định hướng kế hoạch phát triển kinh tế vùng của từng địa phương, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của vùng cũng phải đặt trong quy hoạch phát triển kinh tế của đất nước và cụ thể hóa của từng địa phương trong vùng. “Bộ tổng quát” giúp cho Chính phủ điều hành kế hoạch liên kết vùng chính là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, còn các Bộ khác tham gia vào dưới góc độ chức năng, nhiệm vụ được phân công theo luật. Lúc bấy giờ mới liên kết vùng kinh tế phát triển được.
“Thực tế hiện nay kế hoạch phát triển vùng kinh tế rất rời rạc. Ví dụ, việc phát triển cơ sở hạ tầng vùng là nhiệm vụ của Nhà nước, các địa phương. Nhưng tỉnh này làm, tỉnh kia không làm, do đó mới dẫn đến con đường bị cắt khúc, liên kết mạch máu giao thông để lưu thông hàng hóa, giao lưu xã hội không đạt được. Sở dĩ như vậy vì thẩm quyền quyết định vốn đầu tư vào giao thông giao cho từng địa phương, trừ phần vốn của Bộ Giao thông Vận tải làm phần quốc nội, thì phần của địa phương thì tỉnh nào tỉnh đó quyết định. Vì sự phối kết hợp chưa có, hoặc có “trên giấy” nhưng cơ quan đôn đốc, nhắc nhở để kiểm soát phối kết hợp lại thiếu vai trò của “nhạc trưởng”. Nhìn chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương phối kết hợp về kế hoạch, quy hoạch trong việc phát triển kinh tế, liên kết giữa các địa phương với nhau hình thành liên kết vùng nhằm phát huy những lợi thế so sánh của vùng”- ông Thụ nhận định.
Cũng theo ông Thụ, cùng với vùng giữa các tỉnh gần nhau, cũng nên liên kết theo thế mạnh như tỉnh nào có thế mạnh về nông nghiệp hay công nghiệp liên kết với nhau để tạo ra những sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh đem lại chuỗi giá trị tốt hơn. Liên kết phải xuất phát từ kinh tế, từ lợi thế, thế mạnh hình thành liên kết chứ không phải liên kết ở mặt hành chính. Hành chính chẳng qua chỉ là điều kiện xâu chuỗi. Nếu chỉ dừng lại liên kết về mặt hành chính sẽ dễ dẫn đến chủ quan duy ý chí, không xuất phát từ thực tiễn.
“Từ yêu cầu của từng vùng có thế mạnh là gì, chuỗi sản phẩm phân rải ra các vùng chúng ta phải có liên kết, cơ chế chính sách phối kết hợp để xâu chuỗi lại, làm cho liên kết chuỗi dựa trên lợi thế, dựa trên thế mạnh của từng địa phương, của từng sản phẩm, phát huy thế mạnh của vùng. Liên kết vùng là hình thành một vùng kinh tế thống nhất, có mối liên hệ hữu cơ cấu thành bởi các tỉnh. Cho nên liên kết vùng phải lấy liên kết kinh tế là cơ sở gốc rễ, lấy lợi thế so sánh căn cứ vào chuỗi giá trị sản phẩm để phát huy các lợi thế của địa bàn đó, vùng đó nằm ở các địa phương khác nhau. Như vậy mới phát huy được hiệu quả của liên kết vùng kinh tế”- ông Bùi Đức Thụ kiến nghị.