Hai hội thảo bàn giải pháp phát hành phim nhà nước vừa được tổ chức ở 2 đầu đất nước đã góp phần khẳng định rằng: Có lẽ, đã đến lúc phải thừa nhận nghệ thuật thứ bảy không nên hiểu đơn thuần chỉ là nghệ thuật. Mà nó còn cần được nhìn nhận ở một khía cạnh khác- thực tế hơn, đó là nền công nghiệp được thúc đẩy bằng mục tiêu lợi nhuận và được vận hành nhờ vốn, tài năng và công nghệ. Vì thế giải pháp về việc liên kết phát hành phim giữa nhà nước và tư nhân đã được gợi mở như một cứu cánh.
Cảnh trong phim Cuộc đời của Yến (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ).
Người làm nghề cho rằng, giữa thời điểm ngành điện ảnh đang “nóng” chuyện 8 đơn vị sản xuất, phát hành phim khiếu nại Công ty CGV lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà sản xuất, phát hành khác, thì việc Bộ VHTT&DL tổ chức liền lúc hai cuộc hội thảo về phát hành phim ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã “gãi đúng chỗ ngứa”.
Lâu nay câu chuyện phát hành phim nhà nước, nhất là phim đặt hàng luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm. Ở hai hội thảo vừa rồi, việc các địa phương đồng loạt kiến nghị nhà nước đầu tư ngân sách, cải tạo xây rạp chiếu phim. Đây thực chất chính là sự thừa nhận hệ thống rạp nhà nước đang... chết dần.
Tại hai hội thảo vừa rồi, một băn khoăn lớn cũng được đặt ra: nên xóa bỏ hay vẫn để hệ thống rạp chiếu phim nhà nước tồn tại? Phân tích từ những người làm nghề đã cho thấy hệ thống rạp chiếu phim nhà nước, nhất là những rạp ở các thành phố lớn đã và đang chiếm ưu thế về địa điểm, về thương hiệu. Dẫu vậy trong vòng 3 năm qua, ở thế cạnh tranh (đúng qui luật) với hệ thống rạp chiếu của các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các đại gia trong nước như CGV, Lotte, BHD, Galaxy... thì rạp chiếu phim nhà nước hoàn toàn lép vế.
Xét ở góc độ nào đó, hệ thống rạp nhà nước đã từng có thương hiệu một thời cũng chính là di sản điện ảnh. Vì thế “bỏ” hay “vương” cũng sẽ là rất...tội. Và rất nhiều ý kiến đã đề nghị cần một sự chung tay giữa các đơn vị tư nhân và nhà nước.
Phải nhìn nhận đây chính là sự gợi mở đầy thiện chí. Chẳng hạn như ông Trần Cảnh Tuệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam đã khẳng định: “Chúng ta nên tập hợp các doanh nghiệp tư nhân lại, cùng nhau đưa ra phương án để phim đến được với công chúng. Có phim chiếu được, có công chúng thì các trung tâm chiếu phim địa phương mới sống. Hiệp hội Phát hành phim sẽ lãnh nhận trách nhiệm này”.
Còn theo ông Nguyễn Anh Quảng, Giám đốc EV Cinema - nhà cung cấp thiết bị cho các rạp chiếu phim tại Việt Nam, họ sẽ sẵn sàng hợp tác với các đơn vị chiếu phim nhà nước về máy chiếu phim theo ba hình thức: Liên kết kinh doanh, cho thuê và bán đứt. Hợp tác sẽ giúp các rạp chiếu được phim định dạng số và tránh tình trạng có rạp mà không thể chiếu phim.