Liên kết, tăng sức mạnh cho kinh tế vùng

Hương Nguyên 06/07/2015 09:39

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020, trên cơ sở tổ chức lại tổ chức điều phối hiện có, để thực hiện chức năng nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối hoạt động phát triển mang tính liên kết rộng, tăng sức mạnh cho các vùng kinh tế.

Liên kết, tăng sức mạnh cho kinh tế vùng

Đánh bắt, chế biến thủy sản cần có sự liên kết để tăng sức cạnh tranh

Đổi mới để đi vào thực chất

Sau hơn 20 năm thành lập và phát triển, các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) đã đạt được nhiều kết quả, tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cao hơn bình quân chung cả nước, tốc độ đô thị hóa nhanh, tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 90%, trở thành những trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội của các vùng, lãnh thổ, là đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế, tạo động lực phát triển cho các vùng và cả nước.

Tuy nhiên, hiểu theo nghĩa nào đó, hiện cả nước có “63 vùng kinh tế”, tương ứng với 63 tỉnh/thành. Vì thế, không gian kinh tế vùng bị chia cắt và thu hẹp, nhiều cụm ngành kinh tế và sản phẩm thế mạnh, mà các tỉnh có lợi thế chung không được liên kết với nhau, hoặc lợi thế so sánh của từng tỉnh không được phát huy, mà còn cạnh tranh cục bộ lẫn nhau, dẫn đến chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt khúc; đầu tư trùng lắp, tính gia tăng giá trị thấp, suất đầu tư cao do không tận dụng được “lợi thế dùng chung” trên cơ sở phân công trong nội bộ vùng và liên vùng.

Nguyên nhân là do công tác điều phối phát triển các vùng KTTĐ vẫn bộc lộ tính hình thức nên hiệu quả hoạt động chưa cao; chưa giải quyết kịp thời một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn, các việc có tính chất liên vùng; việc liên kết, phối hợp giữa các địa phương chưa có tính lâu dài, phạm vi liên kết hạn chế, tổ chức triển khai các liên kết chậm, chưa thực sự kết nối và phát huy được tiềm năng phát triển của các vùng.

Phân tích những hạn chế của việc liên kết các vùng KTTĐ thời gian qua, ông Lê Vĩnh Tân- Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, do chúng ta còn thiếu khung khổ thể chế quản trị cho vùng. Mặc dù trước đây đã có Quyết định thành lập Tổ chức điều phối phát triển vùng KTTĐ, quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương đối với các vùng kinh tế trọng điểm.

Liên kết, tăng sức mạnh cho kinh tế vùng - 1

Thành phố Hồ Chí Minh trung tâm kinh tế liên kết vùng hiệu quả

Nhóm lên niềm hy vọng

Theo Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng KTTĐ là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng có tính chất liên ngành, liên vùng liên quan đến hoạt động điều phối phát triển các vùng KTTĐ. Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng Chính phủ. Sẽ có Hội đồng vùng là tổ chức kết nối giữa Ban Chỉ đạo với các địa phương trong vùng KTTĐ và chỉ đạo, điều phối các liên kết trong vùng. Quyết định này đã nhóm lên niềm hy vọng việc liên kết vùng sẽ sớm đi vào thời kỳ phát triển mới thực chất hơn.

Kỳ vọng việc liên kết vùng sẽ mang lại hiệu quả thúc đẩy kinh tế, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hải Phòng- bà Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, rất cần tăng cường tính hiệu quả, thực chất trong chủ trương liên kết vùng lãnh thổ để phát triển. Trong đó, cần điều chỉnh quy định liên kết vùng nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của các địa phương, hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, tạo lập các cực tăng trưởng để làm “đầu tầu”, tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy các địa phương khác cùng phát triển.

Dồn tâm huyết nhiều năm cho vấn đề liên kết vùng, TS Trần Du Lịch nêu ra ví dụ từ TP.HCM. Cách đây hơn 3 năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng đô thị TP.HCM với TP.HCM là trung tâm và 7 tỉnh/thành khác được xác định thuộc vùng TP.HCM là Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang. Các địa phương trong vùng TP.HCM cũng chính là các địa phương của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là những căn cứ rất tốt để TP.HCM và các địa phương này có thể bắt tay nhau cùng phát triển. Tuy nhiên, kết quả liên kết đến nay chưa được như mong muốn. “Bên cạnh sự nỗ lực của các địa phương trong vùng, rất cần có sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành liên quan”- ông Lịch nhận định, “trên cơ sở tận dụng thế mạnh của từng nơi, Chính phủ cần chủ trì xử lý 4 vấn đề chung cho cả vùng. Thứ nhất, bố trí lực lượng sản xuất như thế nào, nơi nào phát triển sản xuất công nghiệp, nơi nào làm cảng biển, nơi nào làm dịch vụ... Thứ hai, xây dựng các đô thị vệ tinh theo hướng không dàn trải và có sự liên kết, bổ sung cho nhau. Thứ ba, tập trung phát triển giao thông liên vùng. Thứ tư, đào tạo và duy trì nguồn nhân lực chung cho cả vùng”.

Như vậy, với quyết định mới, hy vọng việc đầu tư lẻ tẻ theo cách tính toán riêng của từng địa phương sẽ chấm dứt; sức mạnh từ liên kết vùng sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên kết, tăng sức mạnh cho kinh tế vùng