Tập đoàn Công nghệ Google của Mỹ cho biết sẽ không trả tiền cho các hãng truyền thông châu Âu khi sử dụng các bài viết, hình ảnh, video của họ trong các kết quả tìm kiếm tại Pháp. Động thái được nhiều hãng truyền thông quốc tế nhận định là đã “giáng một đòn đau” vào Luật Bản quyền của Liên minh châu Âu (EU), vừa được thông qua.
4 “ông lớn” làng công nghệ thế giới đối diện với Luật Bản quyền của EU. Nguồn: AP.
Tranh cãi về điều luật chống “hút máu”
Nghị viện châu Âu đã thông qua cải cách Luật Bản quyền, bổ sung Luật cũ có từ năm 2001, khi các nền tảng số hóa hay các hãng công nghệ được gọi là những “ông kẹ” như Facebook, Google hay YouTube chưa tồn tại.
Tuy được thông qua nhưng không phải còn những tranh luận trái chiều ngay trong nội bộ các nước thành viên EU bởi thực tế các điều luật vẫn mang trong nó những rào cản được coi là “ngăn chặn các lợi nhuận, tự do của thế giới phẳng”.
Tranh cãi chủ yếu xoay quanh hai nội dung trong đạo luật là Điều 11 và Điều 13. Điều 11 sẽ cho phép các hãng thông tấn nằm bản quyền cho phép chia sẻ nội dung của họ trên mạng hay không, có nghĩa là họ có thể yêu cầu các hãng như Google phải trả tiền vì đã tập hợp và phát tán các bài viết này thông qua máy tìm kiếm của mình.
Các chuyên gia gọi đây là một dạng “thuế đường link”, mặc dù các nghị sĩ ủng hộ đạo luật khẳng định rằng việc chia sẻ đường link sẽ không mất tiền. Đồng thời, các công ty âm nhạc, nhà làm phim và hãng tin tức có thể đòi các công ty công nghệ, như Google và Facebook, chia sẻ hàng tỷ USD trong doanh thu của họ sau Luật mới này.
Trong khi đó, Điều 13 nói rằng các hãng công nghệ phải có “cơ chế nhận diện nội dung hiệu quả” để sàng lọc những nội dung có bản quyền. Những người phản đối đạo luật tin rằng điều khoản này sẽ khiến người dùng mạng xã hội không thể chia sẻ lên mạng từ “meme” cho đến những đoạn nhạc, đoạn phim ngắn.
Đặc biệt, nó giúp các tờ báo, các hãng tin tức được trả tiền và lấy lại công bằng khi bị các nền tảng nội dung “hút máu” quá lâu.
Từ bước “lách” luật sang “nhờn” luật
Với việc đạo luật này được thông qua, bước tiếp theo sẽ là những cuộc đàm phán ba bên giữa Nghị viện Châu Âu, Ủy ban Châu Âu và Hội đồng Châu Âu gồm những nguyên thủ các nước thành viên EU. Và ngay cả khi đạo luật này được áp dụng, mỗi nước EU có quyền áp đặt luật mới tùy theo mong muốn của mình.
Đạo luật bản quyền của EU được thông qua trong bối cảnh các công ty thông tấn và nghệ sĩ đang tranh cãi với các tập đoàn công nghệ lớn do những nội dung và tác phẩm của họ đang bị phát tán tự do trên mạng. Người ủng hộ đạo luật khẳng định rằng những người và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sáng tạo đang bị mất một khoản thu nhập lớn do các sản phẩm trí tuệ của họ được chia sẻ trên nhiều trang mạng.
Đạo luật này sẽ tác động đến những trang web lớn như Facebook hay YouTube, vốn phụ thuộc vào những nội dung do người dùng đăng tải. Google đã bị cáo buộc vận động hành lang một cách hung hăng để ngăn đạo luật được thông qua.
Kể từ khi được đưa ra xem xét cách đây 3 năm, dự luật bản quyền của EU đã trở thành đối tượng chỉ trích của các tập đoàn công nghệ lớn hay những nhà hoạt động về quyền kỹ thuật số.
Tuyên bố và động thái này được ví với việc các hãng công nghệ lớn về nội dung như Google từ bước “lách” luật sang “nhờn” luật.
Theo ông Kry Nelson, chuyên gia kinh doanh bản quyền tin tức tại Pháp, điều này cho thấy các hãng công nghệ về nội dung như Google đã nắm trúng điểm yếu của các tin tức, báo chí trên nền tảng nội dung số và buộc phải cộng sinh với các hãng công nghệ nếu muốn sống sót khi mọi thứ tiếp cận tin tức, giải trí đã thay đổi.
“Thay vì luật, sẽ cần hơn ở các thỏa thuận thương mại hết sức cụ thể của từng hãng tin tức với các hãng công nghệ về nội dung. Ở đó, không còn là vấn đề ai sợ ai theo điều luật nào mà sẽ chia sẻ lợi nhuận bao nhiêu theo dạng win-win (cùng thắng). Thực tế các hãng tin tức đang sợ những gã khổng lồ như Google, Facebook chứ không phải là điều ngược lại dù có bất cứ điều luật nào”- ông Kry Nelson nhấn mạnh.