Liên quan đến 'hồ sơ Panama': Cốt yếu là lấp lỗ hổng thuế

Hồ Hương 11/05/2016 09:00

“Quả bom Panama” nổ tung từ gần 2 tháng trước và đến nay nó vẫn là tâm điểm chú ý trên thế giới khi hé lộ những vụ trốn thuế quy mô toàn cầu, tấn công nhiều lãnh đạo cấp cao thế giới. Hồ sơ Panama đã làm rúng động chính trường nhiều nước. Mới đây nhất, theo hồ sơ Panama dưới dạng cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm tại địa chỉ offshoreleaks.icij.org do Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố, có 189 cá nhân, tổ chức có liên quan đến Việt Nam. Vấn đề này được nhìn nhận thế nào?   

“Hồ sơ vừa được công bố chỉ là những thông tin ban đầu, cần có xác minh rõ ràng. Hiện, ngành thuế chưa thể đưa ra những đánh giá hay nhận định nào cụ thể. Đây là vấn đề không chỉ riêng của ngành thuế mà cần sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan thậm chí cả cơ quan quốc tế” - ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

Trong đó, có thể tìm thấy nhiều doanh nhân nổi tiếng trong các lĩnh vực bất động sản, hàng không, chứng khoán, ngân hàng của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn cũng xác nhận hồ sơ Panama “cảnh tỉnh ngành thuế”. Ông Phụng cho rằng, ngành thuế cần tăng cường tiếp cận nhiều nguồn thông tin, cần phát triển bộ phận quản lý rủi ro và tăng cường giao lưu thêm thông tin trong và ngoài nước, chia sẻ thông tin với cơ quan thuế, nắm bắt thông tin với cơ quan thuế mà ta đã ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, để phối hợp giữa các cơ quan thuế.

Bởi vậy việc người Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama một lần nữa đặt ra câu hỏi, liệu đó là vi phạm pháp luật hay đơn thuần chỉ là một kênh để tham vấn thông tin.

Một chuyên gia tư vấn về thuế cho rằng, các dữ liệu mà Panama đưa ra chỉ mang tính tham khảo. Từ đó để cơ quan chức năng tăng các giải pháp để chống trốn thuế, rửa tiền. Việc công ty bỏ ngoài sổ sách kết quả bán hàng, kê khai khống chi phí, lợi dụng hóa đơn khấu trừ khống, hoàn thuế khống. Hay việc cá nhân lợi dụng các kẽ hở thuế để lách thuế đang diễn ra. Đặc biệt, có doanh nghiệp lợi dụng các ưu đãi về thuế để lập cơ sở kinh doanh rồi đầu tư vào nơi khác không chỉ riêng ở Việt Nam mà nhiều nước khác.

Trong khi đó chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, việc trốn thuế rửa tiền rất khó qua mắt được cơ quan quản lý. Chỉ có điều cơ quan quản lý có làm mạnh tay hay không. “Tôi cho rằng, cơ quan thuế cũng cần rà soát lại việc đóng thuế của cá nhân, hay các giao dịch chuyển nhượng lớn” – ông Lưu Bích Hồ nói.

Là một trong những cá nhân có tên trong danh sách nêu trên, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) khẳng định không liên quan đến việc rửa tiền hay trốn thuế. Ông Hưng nêu rõ: “Việc mở tài khoản tại nước ngoài liên quan đến hoạt đồng đầu tư ra nước ngoài đã được cấp phép”.

Công ty SSI cho biết, SSI và Công ty TNHH Nguyễn Duy Hưng là 2 thành viên góp vốn của Quỹ Đầu tư thành viên SSI do Công ty TNHH quản lý quỹ SSI (SSIAM) quản lý. SSIAM và Quỹ đầu tư thành viên SSI được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài. Sau khi được cấp phép, SSIAM đã thực hiện các hoạt động đầu tư ra nước ngoài hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và luật pháp của nước nơi SSIAM thực hiện các hoạt động đầu tư và không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến các hành vi trốn thuế, rửa tiền hay bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào khác.

Cũng nằm trong danh sách, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - lãnh đạo của Tập đoàn Sovico và đồng thời là Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air lý giải, năm 2005, chúng tôi là công ty quốc tế, có chủ trương đầu tư về Việt Nam. Sovico Corporation PTE Ltd đã thắng thầu quốc tế để mua lại toàn bộ phần vốn góp từ các công ty thuộc tập đoàn Lai Sun (Hong Kong) để trở thành nhà đầu tư nước ngoài thay thế các công ty thuộc tập đoàn Lai Sun là Furama và Best City Finance. Việc chúng tôi mua lại các công ty này vào năm 2005 cũng là bình thường.

Bà Thảo cho biết không không ngạc nhiên khi bên cạnh Furama của còn có địa chỉ một số khách sạn nước ngoài khác tại Việt Nam, cũng như tên một số các cá nhân khác, do các nhà đầu tư nước ngoài có những mô hình đầu tư và cử người lãnh đạo tương đối giống nhau.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, việc một số doanh nhân Việt Nam cũng như một số công ty Việt Nam có tên trong danh sách Panama cần được nhìn nhận thấu đáo. Quan trọng là cơ quan thuế cần nâng cao năng lực quản lý.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định: Cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các định chế tài chính với các cơ quan thuế. Ví dụ, các khoản thu nhập lớn, bất ngờ cần phải được khai báo và nêu rõ nguồn gốc. Việc bắt buộc nêu rõ nguồn gốc các khoản thu nhập sẽ hạn chế được hiện tượng lách thuế. Đã đến lúc lấp những khoảng hở của chính sách thuế và nghiên cứu sửa kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên quan đến 'hồ sơ Panama': Cốt yếu là lấp lỗ hổng thuế