Liên quan đến nhân vật “bịa” Trần Hoằng Nghị là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ, Báo Đại Đoàn Kết đã có nhiều bài phản ánh. Tiếp nhận kiến nghị của Hội đồng họ Trần Việt Nam và văn bản kết luận tọa đàm “Về nhân vật Trần Hoằng Nghị” ngày 26/8/2019 của GS.TSKH Vũ Minh Giang-Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo gửi tới các cơ quan đề nghị giải quyết theo quy định pháp luật.
“Đền nhà ông” thờ nhân vật “bịa” được gán biển Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam.
Đại tá Trần Nguyên Trung- nguyên Tổng biên tập Tạp chí Hậu cần quân đội - Tổng Thư ký Hội đồng họ Trần Việt Nam vừa gửi tới phóng viên báo Đại Đoàn Kết văn bản số 1502/PC-VPCP đề ngày 11/10/2019 của Văn phòng Chính phủ (Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã Chu Đức Nhuận ký). Nội dung văn bản cho biết Hội đồng họ Trần Việt Nam đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ văn bản số 15/09/HĐHTVN-VP ngày 15/9/2019. Văn phòng Chính phủ chuyển đơn tới các cơ quan chức năng gồm: Bộ Thông tin - Truyền thông; Bộ VHTTDL; Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và UBND tỉnh Thái Bình để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tọa đàm “Về nhân vật Trần Hoằng Nghị” ngày 26/8/2019, đã thu hút hơn 100 nhà khoa học chuyên ngành lịch sử, gồm Viện Sử học, Viện Hán Nôm, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Khoa Sử ĐHQG, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; các nhà quản lý, nhà văn, nhà báo và lãnh đạo Hội đồng họ Trần Việt Nam, đại diện họ Trần các tỉnh, thành trong toàn quốc đã về dự. Trên cơ sở các bài tham luận kèm theo các chứng cứ, GS.TSKH Vũ Minh Giang- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam kết luận tọa đàm: “Việc xây dựng Trần Hoằng Nghị thành một nhân vật lịch sử, nhất là việc khẳng định nhân vật này là phụ thân của Thái sư Trần Thủ Độ là thiếu căn cứ cả về tư liệu lẫn lập luận khoa học”.
GS.TSKH Vũ Minh Giang kiến nghị: Không truyền bá dưới mọi hình thức những ý kiến cho rằng Trần Hoằng Nghị là một nhân vật lịch sử và là phụ thân của Thái sư Trần Thủ Độ. Trên thực tế đã có nhiều sách vở, báo chí, phim ảnh đã sử dụng nội dung không khoa học này. Thực hiện nghiêm văn bản số 802/CXBIPH-QLXB ngày 24/9/2018 của Cục Xuất bản in và phát hành (Bộ TT-TT) về việc dừng phát hành bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thông tập 3 để chỉnh lý, sửa chữa. Cần thực hiện nghiêm văn bản số 187/VSH ngày 12/10/2018 của Viện Sử học về việc cắt bỏ câu “Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần (1194) ở khu Bến Trấn, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)” và cắt bỏ câu “Thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị” trong sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông” vì đây là thông tin không chính xác. Với những sách đã phát hành đề nghị NXB có đính chính gửi tới các nơi đã phát hành hoặc thông báo online.
Thực hiện nghiêm Công văn số 1854/UBND-TCD ngày 13/5/2019 của UBND tỉnh Thái Bình xác định rõ: Đền thờ Trần Hoằng Nghị ở thôn Phương La chỉ là cơ sở thờ tự của chi nhánh họ Trần xã Thái Phương (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), không phải là di tích lịch sử được xếp hạng, vì vậy yêu cầu chính quyền địa phương và Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình vận động chủ ngôi đền thờ ở thôn Phương La tự gỡ bỏ biển hiệu “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam” gắn trên “Đền nhà Ông” để tránh nhầm lẫn cho du khách thập phương và con cháu hậu duệ họ Trần.
Thiếu tướng, PGS Đào Trần Quang Cát- Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam cho biết: Bên cạnh kiến nghị của GS.TSKH Vũ Minh Giang, Hội đồng họ Trần chúng tôi còn kiến nghị cơ quan Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra làm rõ, xử lý những sai phạm liên quan đến việc cấp phép xây dựng khu tâm linh ở thôn Phương La không tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. “Miếu cây đa - Đền nhà Ông” có diện tích ban đầu khoảng 10-15 m2, không phải là di tích lịch sử đã được xếp hạng, nhưng đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho sử dụng đất nông nghiệp đang canh tác, (chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng) để xây dựng “Đền nhà Ông” cao 41 m, 3 tầng với mặt bằng diện tích hơn 720 m2 trên tổng diện tích 41.106,2 m2.
Cần xem xét trách nhiệm của những tập thể, cá nhân trực tiếp (hoặc gián tiếp) tiếp tay, bao che, dung túng cho những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật có liên quan đến “Đền nhà Ông”. Trước mắt, là yêu cầu BQL Đền nhà Ông tháo dỡ ngay biển hiệu “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam”. Nếu không tự tháo dỡ thì cần có biện pháp cưỡng chế.
Đại tá Trần Nguyên Trung bày tỏ: Nhân vật Trần Hoằng Nghị được cho là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ được đề cập từ năm 1994, tại hội thảo về Trần Thủ Độ với Thái Bình trong bài viết của ông Dương Quảng Châu. 25 năm qua, nhân vật Trần Hoằng Nghị tồn tại gây nhiều tranh cãi. Năm 2011, một ngôi đền thờ Trần Hoằng Nghị được dựng lên ở xã Thái Phương. Rồi sau đó họ treo biển “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam” lên đó. Nhiều lãnh đạo cao cấp không biết đã đến đó thăm viếng. Nguy hại hơn, PGS.TS Nguyễn Minh Tường còn “bịa” thêm để đưa vào chính sử trong sách Lịch sử Việt Nam phổ thông tập 3 do mình chủ biên. Việc này đã gây phản ứng mạnh mẽ trong giới khoa học và gây phân tâm, chia rẽ trong dòng tộc họ Trần và xã hội.
Với sự việc đã sáng tỏ, thiết nghĩ các cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm vụ việc này.