Luật Báo chí dù bảo hộ nhà báo tác nghiệp, cấm các cá nhân, tổ chức, đơn vị cản trở trái pháp luật, nhưng lại chưa có chế tài để răn đe những hành vi cản trở, hành hung nhà báo.
Chỉ trong vòng một tuần qua, liên tiếp xảy ra 2 vụ hành hung nhà báo một cách thô bạo của những người được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật. Trong vài năm trở lại đây có tới hàng chục nhà báo đã bị đánh, đâm, chém bởi ôn đồ, gây thương tích bởi lực lượng dân phòng, công an.
Chỉ mới cách đây hai tuần, do có loạt bài điều tra liên quan đến việc khai thác quặng mà nhà báo Nguyễn Ngọc Quang - Phó Trưởng phòng Thời sự, Đài PT-TH tỉnh Thái Nguyên đã bị bọn xã hội đen chặn đường truy sát.
Một câu hỏi lớn đặt ra đòi hỏi các cơ quan quản lý có liên quan cần có câu trả lời “ngay và luôn”, vì sao số vụ việc nhà báo bị hành hung khi tác nghiệp ngày một gia tăng đến mức báo động? Phải chăng vì các đối tượng hành hung nhà báo đã “không hề hấn” gì sau khi gây án nên không biết sợ?
Điều may mắn cho các nhà báo là đa số lãnh đạo báo đều hiểu và ủng hộ thái độ làm việc đúng pháp luật, cương quyết đưa ra ánh sáng những con sâu đang đục khoét, làm mục ruỗng cây xanh đất nước. Như lãnh đạo Báo Hà Nội Mới đã chính thức yêu cầu Công an TP.HCM và Công an quận Gò Vấp kiểm tra, làm rõ những cán bộ chiến sĩ đã hành hung phóng viên Thanh Tàu, đồng thời xử lý nghiêm minh những người vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chưa hết, gần đây nhất, sáng 15/9, trong lúc ra ngoài khu vực Tòa án huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An) để tác nghiệp liên quan đến vụ xét xử tội chống người thi hành công vụ, phóng viên Nguyễn Hoàng Nam của Báo Pháp Luật TP HCM đã bị hai dân phòng cùng một số người mặc sắc phục công an khóa tay chở đi, dù phóng viên này đã xuất trình giấy giới thiệu.
Hoàng Nam khẳng định mình không vi phạm pháp luật, sao lại giữ người thì hai dân phòng và công an vẫn khống chế, tước điện thoại, máy ảnh rồi đưa lên ôtô, giải vào căn phòng trống tại một cơ quan nhà nước gần đó. Tại đây, dù Hoàng Nam yêu cầu lập biên bản nhưng những người bắt giữ trên không đồng ý.
Từ các vụ việc trên cho thấy Luật Báo chí dù bảo hộ nhà báo tác nghiệp, cấm các cá nhân, tổ chức, đơn vị cản trở trái pháp luật, nhưng lại chưa có chế tài để răn đe những hành vi cản trở, hành hung nhà báo. Có lẽ đây là lỗ hổng khiến các đối tượng lợi dụng và không biết sợ.