Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã chuyển hồ sơ một bệnh nhân đi khám bảo hiểm y tế tới 80 lần trong hai tháng sang cơ quan công an để điều tra, làm rõ có hay không hành vi trục lợi bảo hiểm y tế. Đây là vụ việc có dấu hiệu bất thường, nhưng điều đó không có nghĩa nam bệnh nhân này thực sự trục lợi bảo hiểm y tế, vì thế cần chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Thú thực, chỉ trong vòng 60 ngày mà bệnh nhân đi khám BHYT tới 80 lần thì đúng là con số... “kỷ lục Việt Nam”. Như vậy, trung bình mỗi ngày bệnh nhân phải đi khám BHYT tới hơn 1,3 lần. Cũng có thể do bệnh nhân này bị bệnh kinh niên, khám chỗ này chưa yên tâm lại sang chỗ khác khám lại cho chắc. Nhưng kể cả như vậy cũng khó mà đạt được số lần khám BHYT mang tính “đột biến” cao đến như vậy.
Vì thế, việc BHXH TP Hồ Chí Minh nghi ngờ có sự trục lợi BHYT là hoàn toàn có cơ sở. Tất nhiên, để kết tội một ai đó thì cần có đủ nhân chứng, vật chứng để chứng minh họ có lỗi. Chẳng phải án tại hồ sơ hay sao? Song, để làm rõ có hay không việc nam bệnh nhân nói trên trục lợi BHYT thì cần thiết phải chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.
Nói nghi ngờ của BHXH TP Hồ CHí Minh có cơ sở không chỉ vì số lần khám BHYT của nam bệnh nhân tăng cao đột biến trong một thời gian ngắn, mà còn từ những vụ trục lợi BHYT từng xảy ra ở một số tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi BHYT đút túi riêng.
Cơ quan BHXH từ Trung ương đến địa phương đã phát hiện nhiều trường hợp không tham gia BHYT nhưng mượn thẻ BHYT của người khác để đi khám chữa bệnh. Thậm chí có những trường hợp còn tận dụng thẻ BHYT của người đã chết để trục lợi. Không ít trường hợp các bác sĩ sau khi kê đơn cho bệnh nhân đã kê khống thêm để thanh toán.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc trục lợi BHYT là không hề đơn giản, bởi thẻ BHYT có tên, tuổi, địa chỉ của người tham gia BHXH, trong khi đó người đi khám chữa bệnh phải xuất trình giấy tờ tùy thân như CMND để đối chiếu. Vậy thì có lý gì cơ sở y tế không thể phát hiện được sự giả mạo, mượn thẻ BHYT của người khác trục lợi?
Điều đó chỉ có thể lý giải bằng việc có sự thiếu trách nhiệm, hoặc cố tình tiếp tay của một số cá nhân trong các cơ sở y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho những người có hành vi trục lợi BHYT. Thiếu trách nhiệm xem ra không nhiều, có lẽ chủ yếu là việc cố tình “mắt nhắm, mắt mở” để cho người có ý đồ trục lợi BHYT thực hiện hành vi của họ.
Ở đây cũng chẳng cần phải có phong bì lót tay mới khiến các nhân viên y tế tạo điều kiện và giúp các trường hợp trục lợi BHYT. Đơn giản là vì, hiện hầu hết các cơ sở y tế, bệnh viện đều phải tự cân đối thu chi, nếu càng thanh toán được nhiều BHYT thì đời sống vật chất, lương thưởng của đội ngũ y bác sĩ càng cao. Vậy thì có lý do gì để các cơ sở y tế ngăn người bệnh mượn thẻ BHYT, hay sử dụng thẻ BHYT của người đã chết?
Thậm chí từ khi mở rộng loại dịch vụ được thanh toán BHYT, không ít cơ sở y tế, bệnh viện đã lạm dụng chỉ định những loại dịch vụ, kê những loại thuốc sai quy định, vượt quá mức cần thiết để trục lợi BHYT. Một số nơi còn dùng mã thẻ BHYT của người bệnh để kê khống thêm các loại dịch vụ, đơn thuốc để thanh toán tiền BHYT.
Hiện, BHXH cũng đã triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT nên đã cập nhật thường xuyên, nhanh hơn các biến động thanh toán BHYT, để kịp thời cảnh báo các địa phương những trường hợp thanh toán BHYT tăng đột biến. Song, hiện pháp luật cũng chưa có bất cứ quy định nào hạn chế số lần đi khám chữa bệnh của người tham gia BHYT, vì thế cũng chưa hẳn những trường hợp có số lần thanh toán tăng cao là trục lợi.
Hơn nữa, hiện Bộ Y tế cũng chưa ban hành được quy định chi tiết với loại bệnh lý lâm sàng như thế nào thì sẽ chỉ định dịch vụ gì, kê loại thuốc gì... để tránh việc trục lợi BHYT. Đó chính là kẽ hở để một số cơ sở y tế, bệnh viện cố tình “lách qua” nhằm trục lợi BHYT mà các cơ quan chức năng khó lòng phát hiện, xử lý.
Song, nói cho đến cùng, để ban hành được bảng mẫu chi tiết về các bệnh lý lâm sàng, chỉ định dịch vụ, kê đơn thuốc như thế nào thì cũng là một việc rất khó, nếu không muốn nói là bất khả thi. Bệnh tật thì có thiên hình vạn trạng, kể cả cùng một bệnh thì đôi khi biểu hiện lâm sàng cũng chưa chắc đã giống nhau. Chỉ khi kiểm tra cụ thể từng trường hợp mới có thể phát hiện sự gian dối, chứ không thể đưa ra “ba rem” chung.
Để hạn chế việc trục lợi BHYT, cần có sự giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện những biến động bất thường trong thanh toán BHYT. Khi phát hiện những trường hợp tăng đột biến số lần thanh toán BHYT cần phải kiểm tra ngay để phát hiện sự gian dối, trục lợi. Nếu phát hiện hành vi trục lợi BHYT cần chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh. Có vậy mới mong giảm thiểu nạn trục lợi BHYT.