Linh hoạt giải quyết tình trạng thiếu giáo viên

Hàn Minh 08/11/2023 10:00

Nhiều địa phương đã chủ động khắc phục việc thiếu giáo viên, song về lâu dài, cần những giải pháp tổng thể như thúc đẩy tự chủ, thúc đẩy xã hội hóa giảm viên chức hưởng lương ngân sách, hoàn thiện thể chế…

Năm học 2022-2023, toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc.

Tăng tuyển dụng đặc cách

Tính đến cuối năm học 2022-2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên. So với năm học trước, số giáo viên còn thiếu tăng thêm 11.308.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu cho biết: Số biên chế giáo dục của thành phố năm 2023 là 97.594, hiện có 90.675 (chưa sử dụng 6.919 biên chế). Năm học 2022-2023 thiếu 7.600 giáo viên, thành phố đề xuất Trung ương giao bổ sung 2.361 biên chế, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố phân bổ cho các đơn bị thiếu theo tỷ lệ Trung ương giao bổ sung. Năm học 2023-2024, thiếu 10.915, thành phố đã có văn bản đề xuất Trung ương giao bổ sung 8.900 biên chế.

Bà Liễu cho biết, cùng với các giải pháp đang triển khai, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND thành phố phân cấp cho các quận, huyện chủ động tuyển dụng giáo viên; cân đối biên chế viên chức ưu tiên cho giáo dục. Giai đoạn 2017-2021, thành phố không cắt giảm biên chế giáo dục mà còn tăng thêm khi thêm trường, thêm lớp. Năm học 2022-2023 không cân đối được mới phải cắt giảm 2%. Đây là một trong những giải pháp được Hà Nội kỳ vọng giúp giảm bớt tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt ở những môn học mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

TPHCM năm học này cần bổ sung hơn 8.000 giáo viên nhưng hiện tại mới tuyển được hơn 3.600. Các vị trí khó tuyển là giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ. Trước mắt, ngoài việc công bố nhu cầu tuyển dụng hằng năm của ngành, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã ký kết đào tạo, bồi dưỡng với Trường Đại học Sài Gòn và Đại học Sư phạm TPHCM, xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực của từng cấp học nói và của những bộ môn thiếu nguồn tuyển dụng.

Năm học 2023-2024, lần đầu tiên TPHCM tuyển dụng theo Nghị định của Chính phủ (thu hút, tạo nguồn cán bộ từ những sinh viên xuất sắc) bằng việc xét tuyển 43 viên chức từ nguồn sinh viên sư phạm tốt nghiệp xuất sắc với mức lương gấp đôi thông thường. Trong 43 viên chức cần tuyển có 14 vị trí là giáo viên các bộ môn, còn lại là chuyên viên, hành chính. Các ứng viên thuộc diện này sẽ được xét tuyển thay vì thi tuyển; ngoài mức lương theo ngạch, bậc sẽ được hưởng thêm phụ cấp bằng 100% lương trong vòng 5 năm.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết nếu vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, Sở sẽ phối hợp Sở Nội vụ xin ý kiến UBND TPHCM xem xét các trường hợp có bằng cử nhân chuyên ngành Âm nhạc và Mỹ thuật nhưng không thuộc chuyên ngành đào tạo giáo viên.

Hiện nay ngoài lương, giáo viên TPHCM được nhận thu nhập tăng thêm theo nghị quyết của HĐND thành phố, tối đa 1,8 lần lương theo ngạch bậc, chức vụ. Giáo viên có thể đạt mức thu nhập 6,8 - 22 triệu đồng một tháng, trong khi mức chung của cả nước là 3,8 - 12,2 triệu đồng.

Tại Đồng Nai, số giáo viên còn thiếu là 3.600, thiếu nhiều nhất là mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, việc tuyển sinh sinh viên sư phạm tại Trường Đại học Đồng Nai đang gặp khó khăn.

Trước tình trạng này, Đồng Nai đã xây dựng chính sách hỗ trợ, đãi ngộ giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Dự kiến số tiền chi cho chính sách thu hút, hỗ trợ giáo viên giai đoạn 2023-2025 là 440 tỷ đồng.

Thúc đẩy tự chủ

Trước tình trạng thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, khảo sát việc thực hiện chế độ làm việc, chính sách đối với giáo viên mầm non, phổ thông. Đồng thời, đề xuất các chính sách đặc thù nhằm nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục; tạo động lực cho đội ngũ giáo viên yên tâm công tác và gắn bó với nghề. Dẫu vậy, đây là bài toán khó không thể giải quyết trong một sớm một chiều, cần sự vào cuộc của cả trung ương và địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết hiện nay thực hiện giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với ngành giáo dục đang rất khó khăn cho ngành, thường bị nhầm lẫn với việc giảm biên chế. Thực tiễn giai đoạn vừa qua, nhiều địa phương khi thực hiện giảm biên chế, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, lại cắt hẳn biên chế dẫn đến thiếu người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, nhất là ngành giáo dục.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề cập một số giải pháp như thúc đẩy tự chủ, thúc đẩy xã hội hóa để giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhưng vẫn phải đảm bảo số lượng người làm việc cho đơn vị sự nghiệp. Thứ hai, ngành giáo dục cần tập trung hoàn thiện một số hệ thống thể chế và trước tiên Luật Giáo dục nên được rà soát lại. Luật Nhà giáo được ban hành tới đây cũng sẽ là giải pháp đảm bảo những vấn đề cơ bản nhất như đời sống, số lượng, chất lượng, hoạt động của đơn vị sự nghiệp giáo dục.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiến nghị khẩn trương sửa đổi Thông tư 06 và Thông tư 11 về định mức giáo viên và học sinh trên lớp, đồng thời, sửa Nghị định 81 để đảm bảo thực hiện thu học phí cho các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học, sớm có hướng dẫn rà soát, sắp xếp lại quy mô trường lớp ở từng địa bàn để giảm lớp, giảm đầu mối.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Linh hoạt giải quyết tình trạng thiếu giáo viên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO