Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc, kế hoạch tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2020 dự kiến vẫn sẽ kết thúc như các năm trước, vào ngày 31/12. Với quyền tự chủ tuyển sinh, các cơ sở giáo dục ĐH có thể tuyển nhiều đợt trong năm và xây dựng các phương án xét tuyển, thi tuyển phù hợp.
Phương án thi THPT và Đại học sẽ được điều chỉnh linh hoạt.
Kết thúc tuyển sinh trong năm 2020
Theo khung kế hoạch năm học được Bộ GDĐT điều chỉnh lần 2, kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra các ngày từ 8-11/8. Nhiều ý kiến băn khoăn về việc điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng thế nào đến lịch trình tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong điều kiện kỳ thi THPT quốc gia diễn ra muộn hơn thì các mốc thời gian xét tuyển ĐH, CĐ cũng sẽ lùi “tịnh tiến”. Trong đó, các năm trước, mặc dù kế hoạch tuyển sinh của hầu hết các trường bắt đầu cuối tháng 7 đến hết năm. Nhưng thực tế các trường kết thúc tuyển sinh vào khoảng cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Thời gian sau đó, đa số ngừng tuyển sinh vì không phù hợp với kế hoạch năm học và hầu như hết nguồn tuyển.
“Như vậy, tuyển sinh từ cuối tháng 8 đến hết tháng 12 không ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh, các cơ sở giáo dục ĐH vẫn chủ động điều chỉnh kế hoạch và thực hiện được” – Thứ trưởng Phúc nhấn mạnh.
Trước đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thị Kim Phụng cũng cho biết, Luật Giáo dục ĐH đã quy định cho khối giáo dục ĐH có quyền tự chủ rất lớn trong việc quyết định phương thức tổ chức và quản lý đào tạo các trình độ, hình thức đào tạo; có quyền chủ động trong việc xây dựng, thực hiện, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy trong kỳ học, năm học, khoá học… Riêng kế hoạch tuyển sinh của trường do từng trường xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện.
Hiện Bộ GDĐT chỉ ban hành Kế hoạch tuyển sinh đợt 1 năm 2020, áp dụng chung đối với các trường xét tuyển từ kết quả thi THPT Quốc gia. Căn cứ vào kết quả tuyển được và thời gian còn lại, các trường chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch tuyển sinh phù hợp, kết thúc trong năm 2020.
Đối với trường không xét tuyển từ kết quả thi THPT Quốc gia, việc tuyển sinh càng chủ động và linh hoạt hơn. Quy chế tuyển sinh đã quy định các trường xác định và công bố cụ thể trong Đề án tuyển sinh để thí sinh và người học chủ động chuẩn bị, đăng ký…
Trong quỹ thời gian hàng năm đã có khoảng 2-3 tuần dự phòng/kỳ học tuỳ theo từng trường và có khoảng 5-6 tuần nghỉ hè. Với quỹ thời gian cho phép đó và thực hiện phương thức đào tạo theo tín chỉ, các trường chỉ cần điều chỉnh lịch học để tháng 8 có đủ lực lượng tham gia Kỳ thi THPT Quốc gia.
Bà Phụng cho rằng, việc kết thúc kỳ học, năm học các trường sẽ điều chỉnh theo điều kiện thực tế và theo yêu cầu của chương trình đào tạo. Nếu tình hình dịch bệnh còn nan giải thì có thể tận dụng cả thời gian dự phòng của năm 2021.
Cân nhắc thi đánh giá năng lực
Về phía các trường ĐH, lựa chọn phương án tuyển sinh nào trong điều kiện học sinh THPT nghỉ học kéo dài nhiều ngày nay do dịch bệnh Covid-19 là vấn đề đã được tính đến.
Đại diện trường ĐH Ngoại thương cho biết nhà trường đã lên các kịch bản để khi dịch Covid-19 kéo dài vẫn sẽ chủ động được. Trong đó, việc tư vấn tuyển sinh trường đã chuyển sang làm online. Khi kỳ thi THPT quốc gia được lùi sang tháng 8, các kế hoạch tháng 3 và tháng 4 của trường sẽ được chuyển sang tháng 5 và tháng 6. Phương thức tuyển sinh dành cho trường chuyên cũng được điều chỉnh sang tháng 7, phù hợp thời gian kết thúc năm học là 15-7. Phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT quốc gia sẽ cũng sẽ lùi tịnh tiến như công bố lùi thời gian thi vào tháng 8 của Bộ GDĐT.
Trong trường hợp nếu kỳ thi THPT Quốc gia không thể tổ chức do dịch Covid-19 bùng phát, nhiều trường cho biết đang tính đến phương án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng tuyển sinh, trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng kịch bản khi kỳ thi THPT Quốc gia không tổ chức thì việc dựa vào kết quả kỳ thi này để tuyển sinh cũng sẽ bị hủy bỏ. Nhà trường đã nghiên cứu đến việc phối hợp với những tổ chức để tổ chức thi đánh giá năng lực, trong trường hợp cần sẽ sử dụng. Việc này đang được khẩn trương tiến hành nhằm có phương án tuyển sinh chủ động để sớm thông báo tới các thí sinh và xã hội khi cần thiết, tránh việc nhà trường bị động và thí sinh cũng bị bất ngờ ở phút chót.
Tương tự, thông tin từ trường ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết trường đã lên phương án chuẩn bị mọi kịch bản ứng phó và có thể áp dụng ngay trong năm 2020 nếu cần. Trong đó, nếu kỳ thi THPT quốc gia không diễn ra, nhà trường với kinh nghiệm đã tổ chức thi đánh giá năng lực trên máy tính các năm trước đây hoàn toàn có thể chủ động triển khai kỳ thi tuyển sinh trực tuyến. Theo đó, có thể triển khai tại một số địa điểm theo nhiều đợt thông qua hình thức phân tán số lượng thí sinh để hạn chế tập trung đông người; có sự giám sát y tế.
Lãnh đạo trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP HCM) cũng thông tin theo kế hoạch trước đây, trường sẽ nhận hồ sơ thi kiểm tra đánh giá năng lực từ 16-3 đến hết 26-4 và tổ chức kỳ thi này vào hai ngày 23 và 24-5-2020. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trường quyết định vẫn tổ chức một đợt thi kiểm tra năng lực, chỉ thay đổi thời gian thi phù hợp với sự điều chỉnh kế hoạch năm học và kỳ thi THPT Quốc gia của Bộ GDĐT. Hiện vẫn chưa “chốt” lịch thi vào ngày nào.