Nghê- một linh vật thuần Việt đã bị lãng quên khỏi nhiều di tích văn hóa, thậm chí cũng không được nhắc tới trong những cuốn sách nghiên cứu về nghệ thuật cổ truyền. Đó là điều khiến TS Trần Hậu Yên Thế trăn trở. Với lòng tự hào, tự tôn văn hóa dân tộc, mới đây TS Thế cùng các cộng sự đã cho ra mắt cuốn “Phác họa nghê - Gã linh vật bên rìa” (nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê).
Hình vẽ nghê chầu ở nghi môn đền Vua Đinh (Hoa Lư – Ninh Bình).
Tìm lại vị thế cho nghê
Cuốn sách là kết quả của 10 năm nghiên cứu linh vật nghê tại các đình, đền, chùa nổi tiếng, đặc biệt là đền Vua Đinh, Vua Lê (Hoa Lư, Ninh Bình).
Với sự hỗ trợ của Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, cuốn sách “Phác họa nghê - Gã linh vật bên rìa” đã được xuất bản, in 4 màu trên giấy tốt.
Bên cạnh những nghiên cứu, phân tích, so sánh với nghê của Trung Quốc, Nhật Bản, điều làm nên sự khác biệt, thậm chí là độc đáo của cuốn sách chính là những bản vẽ phác họa nghê rất công phu, tỉ mỉ ở nhiều di tích văn hóa.
Theo TS Trần Hậu Yên Thế, ông làm điều này vì cảm thấy cần thiết phải vẽ lại một cách tỉ mỉ, bên cạnh những bức ảnh, để làm tư liệu cho những thế hệ sau.
Tất nhiên, TS Thế có lợi thế ở điểm này, bởi ông còn là họa sĩ, là giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội.
Với hàng trăm bản vẽ, nhiều bản vẽ chi tiết từng đôi tai nghê, vẽ chi tiết từng răng nghê ở nhiều di tích, cho thấy cách làm nghiên cứu mang dấu ấn của nhóm tác giả gồm TS Trần Hậu Yên Thế và các họa sĩ - nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa, Hồ Hữu Long.
Theo TS Thế, thời gian nghiên cứu kéo dài 10 năm, nhưng khoảng 3 năm qua, khi Bộ VHTTDL có kế hoạch bài trừ tượng linh vật ngoại lai đang xâm lấn các di tích lịch sử, văn hóa thì ông cùng các cộng sự tập trung thực hiện cuốn sách, như một cách chung tay, tiếp sức.
TS Đặng Thị Bích Liên- Thứ trưởng Bộ VHTTDL đánh giá: “Đây là cuốn sách có giá trị, có nội dung hữu ích đối với những người làm công tác quản lý, nghiên cứu cũng như giáo dục và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống Việt Nam trong gia đoạn hội nhập hiện nay”.
Nghê chính là chó đá biến điệu?
TS Trần Hậu Yên Thế cho biết, người Việt Nam có hệ thống những biểu tượng và linh vật thuần Việt rất đáng tự hào.
Bên cạnh hệ thống tứ linh (long, lân, quy, phượng), nghê là một trong những linh vật phổ biến trong không gian tín ngưỡng của người Việt.
Hình tượng nghê xuất hiện từ thời Lý, Trần, phát triển mạnh mẽ vào thời Lê và bắt đầu chững lại vào thời Nguyễn.
Khi chế độ phong kiến chấm dứt, bước vào thời kỳ hiện đại, những linh vật truyền thống dần suy giảm, không chỉ riêng nghê mà các linh vật khác như long, lân, quy, phượng cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cho rằng, nghê là chó được thiêng hóa. Cụ thể, người xưa đã thêm những râu, kỳ, đao mác để làm thiêng hoá nghê.
Do đó trong nghê có chia thành long nghê, kỳ lân nghê, khuyển nghê...
Cũng theo bà Hòa, trong làng xóm ngày xưa, đều có thờ chó đá. Nay, nghê thường thấy ở đình đền, thái miếu…
Lúc này, nghê gắn với kiến trúc ở trạng thái chầu, quay đầu nhìn vào nhau (không như sư tử đá quay mặt ra ngoài dáng vẻ dữ tợn)
. “Nghê cũng giống chó đá, khoan thai, chậm rãi và trung thành”- bà Hòa nhận xét.
Đồng quan điểm này, TS Trần Hậu Yên Thế cũng cho rằng, con nghê chính là con chó biến điệu ra. Tuy nhiên, cũng như các linh vật khác, tạo hình nghê có sự biến hóa và thay đổi qua các thời kỳ lịch sử.
Cũng do nhu cầu thiêng hóa, nghê có nhiều dạng thức khác nhau. Chính vì thế, hiếm có linh vật nào có thần thái sinh động như nghê, đủ cả hỷ - nộ - ái - ố, lúc chau mày ứa lệ, lúc toe toét miệng cười…
Bìa cuốn "Phác họa Nghê gã linh vật bên rìa" do TS Trần Hậu Yên Thế làm chủ biên.
Chạm đến chốn sâu lắng nhất của tâm hồn
TS Trần Hậu Yên Thế cho rằng, nghê đã xuất hiện từ khá sớm và đi suốt chiều dài lịch sử từ dân gian đến cung đình. Nghê xuất hiện ở lăng tẩm, đền miếu, đình…; trong đó, hai không gian mà nghê xuất hiện rất nhiều là đình và chùa.
“Ngắm nghê ở chốn đình làng, chúng ta phải công nhận với nhau rằng, đây mới đích thực là nghê được các cụ ta xưa đục một cách say sưa nhất”- TS Thế chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: “Nghê ở đình tuy không lớn nhưng nhiều về số lượng. Nếu nói phi hề bất thành chèo thì cũng có thể nói phi nghê bất thành đình làng Bắc Bộ. Cũng như những vai hề chèo- diễn viên phụ xuất sắc, nghê đã chạm đến chốn sâu lắng nhất của tâm hồn người Việt”.
Qua sự dịch chuyển văn hóa giữa các tộc người, người Việt đã tiếp thu, học tập và sáng tạo nên hình tượng con nghê sống động. Đó là con vật uy nghiêm, biểu cảm, gần gũi, không hướng đến sự trấn áp hay dọa nạt như một vài con vật khác.
Với sự nghiên cứu của mình, TS Trần Hậu Yên Thế đưa ra nhận xét: Người Việt đi tới đâu thì nghê cũng tới đó.
Tuy vậy, trải qua thời gian và những tiếp biến văn hóa, con nghê nhỏ bé, không trợn mắt, nhe nanh, vươn vai, ưỡn ngực nên nó đã bị ra rìa khỏi các cơ quan doanh nghiệp, các chùa chiền mới xây.
Đáng tiếc hơn, nghê cũng đã bị bỏ quên khỏi những cuốn sách về nghệ thuật cổ truyền của người Việt, thậm chí bị nhầm lẫn trong một số công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài.
Vì thế, việc tìm lại vị thế cho nghê - linh vật gắn bó với người Việt, là việc làm cần thiết.
Cùng với việc loại bỏ những linh vật ngoại lai khỏi các di tích văn hóa, nơi thờ tự, thì đưa nghê về với vị trí của nó như đã từng là việc cần làm đồng thời. Thêm nữa, còn cần sự chung tay, tiếp sức của những người am hiểu văn hóa dân tộc, để việc trở lại này được chuẩn chỉnh và bài bản…