Lo bệnh mùa hè

M. Khang - T.H 28/05/2016 09:25

Các chuyên gia y tế cảnh báo, thời tiết nắng nóng cùng với tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi là những yếu tố nguy hại gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em và người già do sức đề kháng kém. Vậy phải làm gì để phòng chống bệnh tật?

Lo bệnh mùa hè

Mùa hè, số trẻ nhập viện lại tăng cao.

Ho, sốt cao, tay chân miệng tăng mạnh

Yếu tố nóng ẩm của mùa hè chính là thời điểm thuận lợi của nhiều bệnh, trong đó đáng lưu ý nhất là các bệnh do vi nhiễm virut, vi khuẩn,ký sinh trùng. Ở trẻ em, do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nên nguy cơ mắc bệnh càng tăng cao.

Mặc dù giờ mới là đợt nắng nóng đầu hè, thế nhưng tại nhiều bệnh viện tuyến Trung ương, số bệnh nhi nhập viện do sốt cao, ho, tiêu chảy tăng rất nhanh. Tại sảnh bệnh viện Nhi Trung ương, mới đầu giờ sáng nhiều gia đình đưa con đến khám bệnh xếp hàng rất đông.

Thống kê sơ bộ, những tuần qua, trung bình mỗi ngày có khoảng 2.000 trẻ bị ốm được gia đình đưa tới viện khám, tăng khoảng 20% so với thời điểm bình thường. Không chỉ có Bệnh viện Nhi Trung ương mà tại Khoa Nhi, Hô hấp của Bệnh viện Bạch Mai, Xanh Pôn... số trẻ nhập viện vì nắng nóng cũng tăng mạnh.

Theo PGS-TS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, phần lớn các bé được đưa tới bệnh viện khám, điều trị do mắc bệnh bị viêm đường hô hấp, sốt virus, rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy. Đây là những bệnh thường gặp khi khí hậu vào mùa nóng bức. Đối với những trẻ bị rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy, qua các kết quả khám lâm sàng cho thấy, có nhiều nguyên nhân như: ngộ độc thực phẩm, vi khuẩn E.coli, khuẩn salmonela, khuẩn tụ cầu.

Đáng lo ngại là nhiều trẻ ban đầu chỉ bị sốt và ho thông thường nhưng sau đó bị biến chứng bệnh nặng hơn, dẫn tới bệnh viêm phế quản cấp, viêm phổi do gia đình chủ quan, tự mua thuốc điều trị tại nhà.

Trong các bệnh kể trên thì sốt virus cũng là bệnh dễ gặp trong mùa hè, trẻ bị sốt virus thường sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, có thể có triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như: hắt hơi, sổ mũi, ho. Theo tư vấn của các bác sĩ, khi trẻ sốt virus cha mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà và lưu ý: Theo dõi thường xuyên thân nhiệt của trẻ; Hạ sốt nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C; Cho trẻ uống Oresol để bù nước theo đúng chỉ dẫn; đồng thời, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ như ăn cháo có rau, bí đỏ, thịt lợn, bò; uống sữa; bổ sung hoa quả để tăng sức để kháng.

Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, đặc biệt trên 39 độ C mà dùng thuốc hạ sốt không hạ nhiệt đô; Trẻ lơ mơ, li bì, xuất hiện đau đầu và co giật tăng dần; Trẻ buồn nôn, nôn khan nhiều lần thì lập tức cha mẹ phải đưa con đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Ngoài ra, mùa Hè cũng là thời điểm dễ bùng phát bệnh tay chân miệng (TCM), Cục Y tế dự phòng đã khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Theo dự báo của Cục Y tế dự phòng, bệnh TCM thường tăng mạnh vào tháng 5, 6. Tại khoa Nhi, khoa Truyền nhiễm của các bệnh viện lớn ở Trung ương, số trẻ mắc TCM đang gia tăng, đặc biệt là những bệnh nhi dưới 5 tuổi. Bệnh này có khả năng gây biến chứng nặng, thậm chí tử vong.

Những tuần qua, số bệnh nhi nhập viện do TCM với các triệu chứng điển hình như sốt cao trên 39 độ, sốt kéo dài trên 2 ngày, xuất hiện nốt phồng ở tay, chân. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn nhầm lẫn bệnh TCM với nhiệt miệng ở trẻ nhỏ nên chủ quan hoặc tự ý điều trị, đến khi bệnh trở nặng mới nhập viện.

Một số bệnh có thể xuất hiện trong thời gian tới

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo về phòng chống dịch bệnh do virus Zika và các bệnh mùa Hè, được tổ chức mới đây tại Đà Nẵng. Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam và Cục Y tế dự phòng cũng thông tin, hiện đã ghi nhận 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành hoặc có lây truyền virus Zika, trong đó có 57 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục có sự lây truyền virus Zika do muỗi truyền.

Còn tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, ngành y tế lấy 2.266 mẫu xét nghiệm virus Zika, phát hiện 2 ca bệnh dương tính với virus Zika tại TP HCM và và tỉnh Khánh Hòa. Công tác phòng, chống dịch bệnh do virus Zika tại các tỉnh, thành phố được triển khai quyết liệt từ việc khoanh vùng, xử lý ổ dịch đến triển khai các biện pháp phòng bệnh; đồng thời, phát động người dân tự diệt muỗi, lăng quăng; giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, tập huấn cho cán bộ y tế...

Theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trương Đình Bắc, dự báo thời gian tới Việt Nam có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do virus Zika, nguyên nhân là do muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và virus Zika lưu hành phổ biến các địa phương; 80% bệnh nhân nhiễm Zika không có biểu hiện triệu chứng nên khó phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch.Bên cạnh đó, người dân chưa chủ động thực hiện việc ngăn ngừa muỗi đốt, diệt muỗi, lăng quăng…

Cục Y tế dự phòng dự báo thời gian tới, một số dịch bệnh như cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu... sẽ xuất hiện phổ biến vào mùa Hè, tập trung từ tháng 5 đến tháng 8. Vì vậy, nếu không triển khai tốt các biện pháp phòng chống, nguy cơ dịch sẽ bùng phát là rất lớn.

Để phòng các bệnh mùa hè, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện ăn chín, uống sôi; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể. Bên cạnh đó, tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối...

Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai... Các bậc phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vắcxin phòng bệnh đầy đủ, không chờ đợi vắcxin dịch vụ.

Khi phát hiện người bệnh có biểu hiện mắc bệnh truyền nhiễm, cần được đưa đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Lo bệnh mùa hè - 1

Tăng cường dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

Cục Y tế dự phòng dự báo, một số dịch bệnh như cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu... sẽ xuất hiện, tập trung từ tháng 5 đến tháng 8. Vì vậy, nếu không triển khai tốt các biện pháp phòng chống, nguy cơ dịch sẽ bùng phát là rất lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo bệnh mùa hè