Mặc dù đã quá thời hạn được phép hoạt động gần nửa tháng nay nhưng hiện tại hàng chục lò gạch trên địa bàn xã Sông Lô (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) vẫn luôn đỏ lửa, nhả khói độc “tra tấn” người dân địa phương.
Mặc dù đã quá hạn được phép hoạt động nhưng các lò gạch
ở xã Sông Lô vẫn đỏ lửa, xả khói bụi ra môi trường.
Khốn khổ vì khói lò gạch
Đi trên tuyến đê sông Lô vào trung tâm xã Sông Lô, hình ảnh “chướng tai-gai mắt” mà bất cứ ai cũng dễ dàng chứng kiến đó là những cột khói trắng xóa từ các lò gạch tuôn ra, phủ xuống các khu dân cư xung quanh. Bên cạnh những lò gạch đang hoạt động là diện tích lớn đất nông nghiệp bị đào bới nham nhở thành thùng vũng, ao chuôm và những ruộng lúa bỏ hoang cho cỏ mọc.
Theo người dân, các lò gạch này liên tục nhả khói suốt ngày đêm khiến cuộc sống, sức khỏe và sản xuất của người dân xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi các lò gạch đồng loạt hoạt động, thì nơi đây không khác gì cái lò hun khói, không khí khét lẹt, đặc quánh toàn khí CO2 đến ngạt thở. Người lớn sức đề kháng cao cũng không tránh khỏi các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa, còn trẻ con thì ốm đau, bệnh tật triền miên, còi cọc, chậm lớn.
Theo quan sát, tuyến đường đê sông Lô trên địa bàn xã bị băm nát bởi hàng trăm xe tải chở đất đá, gạch đá và chìm ngập trong khói bụi. Hàng trăm hộ dân xung quanh khu vực bị ảnh hưởng, nhà nào cũng cửa đóng then cài để tránh khói bụi.
“Nhiều năm qua chúng tôi sống chẳng khác gì bị đày ở địa ngục trần gian. Do lò gạch quá sát khu dân cư nên cả khu vực ngập chìm bụi, nóng hầm hập như lò sưởi. Ngồi trong nhà vẫn đeo khẩu trang, trẻ con phải di tản đi chỗ khác tránh bụi. Chúng tôi kiến nghị các cấp chính quyền di dời các lò gạch ra xa khu dân cư nhưng chả thấy cơ quan nào giải quyết...”- bà Thúy, một người dân ở khu 3 xã Sông Lô bức xúc.
Cũng theo người dân xã Sông Lô, trước đây, khi chưa có lò gạch, người dân cấy lúa, trồng hoa màu năng suất rất cao, thu nhập ổn định. Tuy nhiên, từ ngày lò gạch hoạt động gieo mạ, mạ chết, cấy lúa, lúa héo mòn và không thể trổ bông. Nhiều lúc lúa đang bắt đầu chín vàng, chuẩn bị thu hoạch thì các lò gạch nhả khói khiến lúa chết cháy hàng loạt. Cấy lúa, trồng hoa màu không được thu hoạch nên người dân chán nản đánh bỏ hoang ruộng đồng khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Điều đáng bàn, khi người dân kiến nghị và yêu cầu các chủ lò gạch đền bù thiệt hại thì các chủ lò gạch viện ra đủ lý do để thoái thác.
Bao giờ mới dẹp bỏ?
Ngày 24/12/2015, UBND TP. Việt Trì đã ra văn bản số 2489/UBND-KT chỉ đạo chính quyền xã Sông Lô và các địa bàn khác đẩy nhanh việc xóa bỏ sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ lò đứng liên tục trên địa bàn thành phố. Theo ông Tạ Chí Dũng- Phó Chủ tịch UBND TP Việt Trì, UBND TP Việt Trì đã ban hành kế hoạch 1440 ngày 17/7/2014 về việc xóa bỏ sản xuất gạch đất sét nung công nghệ lò đứng liên tục trên địa bàn thành phố, trong nội dung kế hoạch đến hết năm 2015 phải xóa bỏ toàn bộ các lò gạch trên địa bàn thành phố. UBND TP. Việt Trì cũng đã có công văn số 1111 ngày 16/6/2015 đôn đốc các phường, xã thực hiện. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai thực hiện còn chậm.
Thực tế theo quan sát của phóng viên, ngày 11/1/2016, các lò gạch ở xã Sông Lô vẫn đua nhau nhả khỏi như chưa có chuyện gì xảy ra.
Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Tảo, Chủ tịch UBND xã Sông Lô xác nhận tất cả các lò gạch đều hết hợp đồng từ ngày 31/12/2015. Hiện nay, trên địa bàn xã Sông Lô còn 9 lò gạch đang hoạt động. Mặc dù đã áp dụng công nghệ lò đứng liên hoàn nhưng vẫn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Trình bày về việc này, ông Tảo cho rằng: Chính quyền xã rất muốn dừng các lò gạch nhưng hiện nay còn nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết ngay được. Thứ nhất là do nhiều lò gạch đầu tư lớn, họ xin thêm thời gian để chuyển đổi.
Thứ hai là về vấn đề san trả mặt bằng. Diện tích các lò gạch đều thuê lại đất của bà con để sản xuất, trong hợp đồng với hợp tác xã thì khi kết thúc hợp đồng, phải trả lại mặt bằng, để tiếp tục sản xuất nông nghiệp. Nhưng hiện nay vấn đề trả lại mặt bằng đất nông nghiệp chưa làm được ngay.
Để trả lại không khí trong lành cho cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương cần có các biện pháp mạnh hơn.