Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã từng được kỳ vọng là sẽ giúp kinh tế Việt Nam khởi sắc. Thế nhưng, gần đây, việc tân Tổng thống Mỹ tuyên bố có thể sẽ rút khỏi TPP đang làm dấy lên trong dư luận nhiều luồng ý kiến lo ngại, nhiều lĩnh vực kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Ảnh minh họa.
Tác động khá mạnh khi Mỹ rút khỏi TPP
Thời gian qua, trong khi chờ đợi TPP chính thức có hiệu lực, rất nhiều kỳ vọng về sự khởi sắc của nền kinh tế đã được đưa ra. Trong đó, ngành kinh tế được kỳ vọng khởi sắc nhất, thuận lợi nhất chính là các lĩnh vực xuất khẩu như da giày, dệt may, thủy sản… và nhiều ngành xuất khẩu khác nữa.
Kỳ vọng là bởi, khi TPP được ký kết, nhiều dòng thuế xuất khẩu sang các nước trong TPP được đưa về 0%, điều này sẽ tạo thuận lợi lớn cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường quốc tế khi giảm được nhiều chi phí và nâng sức cạnh tranh. Và một trong những thị trường mà chúng ta kỳ vọng nhất sẽ gia tăng giá trị xuất khẩu chính là Mỹ, bởi từ trước đên nay, Mỹ luôn là thị trường giàu tiềm năng nhất cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, tuyên bố mới đây của tân Tổng thống Mỹ Donal Trump về việc, sẽ rút khỏi TPP đang gây ra nhiều băn khoăn trong dư luận. Không ít ý kiến cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Bởi, theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, TPP không chỉ tác động trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ mà còn kéo theo làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để đón đầu TPP.
Và như vậy, nếu Mỹ rút khỏi TPP, làn sóng FDI “đón đầu TPP” chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ, mà chủ yếu rơi vào tình thế sẽ giảm sút. Đó chính là những ảnh hưởng có thể nhìn thấy ngay nếu Mỹ rút khỏi TPP.
Bên cạnh đó, Theo TS Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế quốc dân), chưa nói đến việc Mỹ rút khỏi TPP, chỉ cần Mỹ có những thay đổi nhỏ về chính sách thuế hay dựng lên những hàng rào bảo hộ kỹ thuật thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu của Việt Nam.
Đơn cử như ngành thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chủ yếu nhờ lợi thế sản xuất với giá nhân công rẻ. Trong khi đó, ngành thủy sản của Mỹ cũng phát triển mạnh. Vì vậy, đây sẽ là một trong những của Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp nếu Mỹ thay đổi chính sách thương mại.
Ngoài ra, khi tham gia TPP, những quy định về quy tắc, xuất xứ đối với một số lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh của ta như dệt may, da giày… đã tạo cho các DN Việt Nam một áp lực phải nâng tỷ lệ sản xuất nội địa, từ đó giảm khả năng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Thế nhưng, nếu Mỹ - quốc gia được đánh giá là “mắt xích” quan trọng nhất của TPP lại rút khỏi TPP – điều đó cũng đồng nghĩa, TPP có tiếp tục cũng trở nên vô nghĩa.
Điều này cũng đã được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định như vậy tại một buổi họp báo liên quan đến các vấn đề về TPP trung tuần tháng 10 vừa qua tại Argentina. Kéo theo đó, những quy định về quy tắc xuất xứ sẽ không còn ý nghĩa, thì tất yếu Việt Nam sẽ lại nhập khẩu các nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc phục vụ cho nhu cầu sản xuất.
Dệt may được kỳ vọng khởi sắc khi TPP chính thức có hiệu lực.
Chỉ cần nâng sức cạnh tranh, chất lượng hàng hóa
Chỉ nhìn qua, đã thấy, việc Mỹ rời bỏ TPP sẽ tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, theo TS Phạm Thế Anh, thử đặt giả định về một TPP không có Mỹ. TS Thế Anh cho rằng, nếu đặt giả định đó, Việt Nam là nước nhỏ, không đóng vai trò quyết định mà phụ thuộc nhiều vào Mỹ và Nhật.
Việc TPP không được thông qua có thể tác động đến một số thành viên của TPP, vì không ít thành viên tham gia TPP là vì ở TPP có Mỹ - một thị trường lớn của họ. Do đó, nếu TPP không có Mỹ, rất có thể một số nước thành viên khác cũng rút khỏi TPP.
Khi ấy, hiệp định thương mại đa phương TPP có thể chuyển thành các hiệp định song phương. Chẳng hạn như, Việt Nam có thể ký riêng với Nhật, hoặc các thành viên khác, một hiệp định thương mại song phương mới mà vẫn bao phủ những điều khoản như trong TPP nhưng với quy mô nhỏ hơn.
Mặc dù thừa nhận việc Mỹ rút khỏi TPP có tác động khá rõ đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực xuất khẩu, song, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do khác chứ không riêng gì TPP. Do đó, sự tác động này cũng không đáng lo ngại.
“Bản thân các DN Việt Nam thời gian qua khi lên kế hoạch chuẩn bị ứng phó với các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có TPP, cũng đã nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm… và nếu các DN vẫn tiếp tục xu hướng này thì vẫn có thể đẩy mạnh được xuất khẩu, không cần phải có TPP hay không” - một chuyên gia nhận định.