Thời gian qua do lo ngại lây nhiễm Covid-19, nên nhiều bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân lớn tuổi mắc bệnh mãn tính, bệnh nhân ung thư… đã trì hoãn việc thăm khám đúng thời hạn ở bệnh viện, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nỗi lo người có tình trạng bệnh lý nền
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, mới đây tại bệnh viện này có một bệnh nhân tử vong do đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Điều đáng nói, bệnh tình của bệnh nhân nặng lên đã một tuần trước đó, nhưng ngại không đi khám vì lo sợ lây nhiễm Covid-19. Trước đó, trong cuối tháng 5, tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức (TP.HCM) cũng ghi nhận hai trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nặng do tự ý uống lại toa thuốc cũ mà không đến bệnh viện khám vì lo sợ dịch bệnh Covid-19.
Theo các chuyên gia, bất kỳ mọi lứa tuổi, mọi độ tuổi, giới tính, đều có nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng gây nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn ở những người có bệnh nền. Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Hệ thống Trung tâm tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn VNVC, các số liệu thống kê cho thấy, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính,… có nguy cơ lây nhiễm cao, bệnh cảnh tiến triển nặng nề hơn, điều trị kéo dài với chi phí tốn kém hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn.
Dẫn chứng từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đưa ra cho thấy, nhóm đối tượng có nguy cơ cao, dễ bị đe dọa bởi Covid-19 nhiều nhất là người cao tuổi. Bởi ở họ sẽ dần xuất hiện những sự lão hóa của cơ thể, từ hệ xương khớp cho đến các cơ quan quan trọng trong bộ máy hoạt động như tim, phổi, hệ thống mạch máu. Tình trạng này làm giảm khả năng thích ứng của cơ thể người lớn tuổi đối với những tác động từ bên ngoài như thời tiết và môi trường, làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt các bệnh lý đường hô hấp.
Tuy nhiên, Covid-19 không có giới hạn độ tuổi tuyệt đối, những người trẻ tuổi không phải là “bất khả xâm phạm” như chúng ta từng nghĩ. Italy là một trong những vùng dịch Covid-19 “top đầu” trên thế giới. Một nghiên cứu tại đây đã chỉ ra rằng, 99% số ca tử vong là người mắc bệnh lý mạn tính. Trong đó, gần một nửa số ca mắc ít nhất 3 bệnh lý nền và khoảng 1/4 có 1 hoặc 2 bệnh nền trước đó. Có tới hơn 75% người bị tăng huyết áp, khoảng 35% bị tiểu đường và 1/3 tổng số bệnh nhân bị bệnh tim. Không chỉ vậy, người mắc nhiều bệnh lý mạn tính lại thường là người cao tuổi. Sức đề kháng của nhóm người cao tuổi mắc bệnh mạn tính lại giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu người già bị bệnh, virus sẽ làm cho các bệnh mạn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, do đó người bệnh rất dễ tử vong. Ngoài việc phải uống rất nhiều các loại thuốc điều trị bệnh nền, cơ thể của người già cũng suy giảm miễn dịch, dễ mắc thêm các bệnh khác. Khi người cao tuổi mắc Covid-19 thì thường bị rất nặng do tương tác của bệnh mới với bệnh nền cũng như tương tác của rất nhiều loại thuốc. Khi bị nhiễm virus, cơ thể không đủ sức chống lại, đồng thời lại khởi động một chuỗi rối loạn kèm theo trên nền bệnh như suy gan, suy thận, suy đa tạng làm phức tạp và khó khăn việc điều trị.
Vì vậy, người mắc các bệnh dưới đây cần hết sức thận trọng, kiểm soát tốt bệnh lý nền và nâng cao thể trạng: Người mắc thận mãn tính ở bất kỳ giai đoạn nào đều làm tăng nguy cơ diễn tiến xấu và tử vong nếu mắc Covid-19. Nguy cơ dường như tăng lên cùng với mức độ nghiêm trọng của bệnh, đặc biệt ở những người chạy thận; Và do có sẵn bệnh lý nền về phổi, những người mắc bệnh phổi mạn tính (COPD) là đối tượng có nguy cơ cao mắc Covid-19 và có thể dẫn đến các biến chứng về hô hấp từ nhẹ đến nghiêm trọng; Người mắc bệnh gan mãn tính, đặc biệt là xơ gan (sẹo ở gan) có thể làm tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do Covid-19; Người bệnh tim mạch - đối tượng “ưa thích” của Covid-19 do được lý giải là bởi khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể sẽ kích hoạt bệnh tim tiềm ẩn và gây ra phản ứng viêm nghiêm trọng ở mạch máu và cơ tim dẫn tới cơn đau tim, rối loạn nhịp, hội chứng mạch vành cấp tính, suy tim cấp; Bệnh đái tháo đường (tiểu đường) là một rối loạn sức khỏe khiến hệ miễn dịch bị tổn hại, đặc biệt là ở tuýp 2, khiến người bệnh dễ mắc Covid-19 nếu tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ…
Bác sĩ Bạch Thị Chính cảnh báo: “SARS-CoV-2 đặc biệt nguy hiểm với những người có hệ miễn dịch yếu, người lớn tuổi, trẻ em, những người có các bệnh lý nền mãn tính. Những đối tượng này có khả năng lây nhiễm cao, khó điều trị và bệnh lý diễn biến nhanh, nguy hiểm cho tính mạng. Đặc biệt, virus cực kỳ nguy hiểm cho phụ nữ có thai. Khi phụ nữ có thai mắc bệnh sẽ để lại những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Mức độ nguy hiểm của bệnh lý này với phụ nữ có thai tương tự như mức độ của dịch bệnh MERS năm 2014”.
Tăng cường kết nối với bác sĩ
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, hiện nay bệnh viện là nơi có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 lớn nên tâm lý lo ngại tới bệnh viện của bệnh nhân là có thể thông cảm. Một trong những giải pháp được áp dụng hiện nay để tránh tình trạng người không cần thiết đến viện cũng tới khám, ngược lại người bị bệnh nặng lo sợ lây nhiễm Covid-19 lại ở nhà, các bệnh nhân trước khi đến viện khám nên gọi cho các bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán tình trạng bệnh. Những ca bệnh nặng sẽ được các bác sĩ khuyên đến viện sớm, cấp cứu kịp thời, các ca nhẹ không cần đến viện sẽ được tư vấn chữa bệnh từ xa. Nhiều ca nhẹ cũng đến viện, trong khi khả năng sàng lọc của mỗi bệnh viện có hạn. Bệnh nhân tới đông quá, nơi sàng lọc chờ đợi sẽ quá tải cũng sẽ là nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Ngược lại, bệnh nhân nặng vì lo sợ nên không tới sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.
Còn theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải, tình hình dịch Covid-19 phức tạp rất nguy hiểm với những người có bệnh nền. Tuy nhiên, các trường hợp có bệnh nền cần giữ liên hệ với bác sĩ qua các kênh khác nhau để tiếp tục được dùng thuốc và theo dõi tình trạng bệnh, không nên tự xử lý ở nhà. Nếu bệnh nhân có bệnh nền và có các biểu hiện bất thường như khó thở tăng, mệt mỏi, đau ngực, vã mồ hôi, không tỉnh táo thì buộc phải báo người nhà đưa đi cấp cứu kịp thời. PGS.TS Hoàng Bùi Hải nhấn mạnh, trong bệnh viện có hệ thống sàng lọc, trong cấp cứu cũng sàng lọc kỹ càng để phân loại những bệnh nhân có nguy cơ về Covid-19. Đặc biệt, khi bệnh nhân có vấn đề nặng đe dọa tính mạng sẽ được cho vào khu riêng, tuy chưa loại trừ được Covid-19 nhưng vẫn được cấp cứu kịp thời.
Các chuyên gia khuyên, nếu trước đây bệnh nhân gặp và kết nối trực tiếp với bác sĩ thì bây giờ trong bối cảnh đại dịch, vẫn cần phải tăng cường kết nối, các hình thức kết nối dễ dàng hơn như liên lạc qua Internet, zalo, viber... Kết nối này giúp cung cấp thông tin hai chiều. Bệnh nhân cung cấp thông tin về bệnh của mình cho thầy thuốc, ngược lại thầy thuốc có thông tin để chỉ dẫn cho bệnh nhân. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân khám ở đâu, điều trị cái gì, cần làm xét nghiệm gì. Thậm chí có thể phải thay đổi thuốc và chiến lược điều trị…
Tăng đề kháng, giảm thiểu nguy cơ
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và lây lan nhanh. Giữ sức khỏe trong đại dịch là việc rất quan trọng. Do đó, ngoài những biện pháp phòng ngừa hằng ngày, những đối tượng có nguy cơ cao cần phải đặc biệt tuân thủ những điều lưu ý sau:
-Tập thể dục vừa sức, đều đặn trong không gian ở nhà, hạn chế ra ngoài.
-Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, sinh hoạt, vận động hợp lý và tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan y tế.
-Cần phải kiểm soát các bệnh lý nền, tình trạng bệnh mãn tính của mình.
-Luôn mang theo các loại thuốc bệnh mãn tính trong người, ít nhất đủ dùng cho 30 ngày.
-Trao đổi về tình trạng bệnh lý nền của bản thân thường xuyên hơn với bác sĩ, liên hệ ngay khi có dấu hiệu bất thường.
-Hạn chế tiếp xúc nơi đông người, giữ khoảng cách 2m ở những khu vực tập trung.
-Luôn đeo khẩu trang, tránh sử dụng các phương tiện công cộng.
-Nếu xuất hiện các triệu chứng của bệnh như sốt cao, ho, khó thở,… cần gọi ngay đến các cơ sở y tế để được khám kịp thời.
-Đảm bảo tiêm ngừa đầy đủ vắc xin phòng bệnh cúm và viêm phổi để hạn chế tình trạng xấu đi trong trường hợp nhiễm Covid-19.
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, việc tăng sức đề kháng là việc phải làm liên tục chứ không phải bây giờ có dịch Covid-19 mới nghĩ cách tăng sức đề kháng. Ngay cả những bệnh như cúm, tay chân miệng hay những bệnh về hô hấp khác cũng cần phải tăng sức đề kháng.