Bộ NNPTNT nhận định, nguy cơ các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản tiếp tục xảy ra trong các tháng cuối năm là rất cao.
Chiều 17/7, Bộ NNPTNT có công văn gửi tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2021. Bộ NNPTNT nhận định, nguy cơ các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản tiếp tục xảy ra trong các tháng cuối năm 2020 và năm 2021 là rất cao.
Theo các địa phương, trong gần 7 tháng đầu năm 2020, các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm và thủy sản đã cơ bản được kiểm soát, cụ thể: Bệnh tai xanh đã được kiểm soát và trong nhiều năm không xảy ra dịch bệnh bệnh lở mồm long móng giảm 2 lần về số ổ dịch và 3 lần về số gia súc mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy so với cùng kỳ năm 2019.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã được kiểm soát với 99% số xã đã công bố hết dịch. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay đã phát sinh trên 830 ổ dịch thuộc 44 tỉnh, thành phố; tổng số lợn tiêu hủy là 36.000 con; đến nay chưa có thuốc và vaccine, đường lây truyền của bệnh rất đa dạng, phức tạp, khó kiểm soát dẫn đến virus DTLCP phát tán, lây lan và gây ra các ổ dịch trong thời gian tới.
Đáng chú ý, bệnh Cúm gia cầm do chủng virus H5N1 và H5N6 gây ra tại 58 xã thuộc 20 tỉnh, thành phố; số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy trên 185.000 con, số ổ dịch tăng 4,5 lần và số gia cầm bị dịch phải tiêu hủy cao hơn 7,7 lần; Bệnh Dại đã làm 47 trường hợp người tử vong, tăng cao hơn so với cùng kỳ 2019; Một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi vẫn lưu hành rộng rãi với 3.337 ha tôm nuôi, 465 ha cá tra, 1.300 ha nghêu/ngao bị thiệt hại. Diện tích nuôi cá tra bị bệnh tăng hơn 7 lần.
Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai và gửi bản Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2021 của địa phương về Cục Thú y (Bộ NNPTNT) trước ngày 30/11/2020 để theo dõi, phối hợp chỉ đạo và tổ chức thực hiện.