Gần đây, thời tiết đang có nhiều thay đổi thất thường khi độ ẩm tăng do mưa, lạnh rồi đột ngột nắng nóng đã tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của nhiều mầm bệnh, trong đó có bệnh sởi. Ngay sau dịp Tết, số ca nhập viện điều trị do sởi ở trẻ liên tục gia tăng khiến không ít các bậc phụ huynh lo lắng…
Thời gian qua có nhiều trẻ phải nhập viện.
Gia tăng số ca nhập viện
Hiện nay, dịch sởi đang có nhiều diễn biến phức tạp khi các ca mắc sởi phải nhập viện để điều trị không ngừng gia tăng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, nếu như cùng thời điểm này trong năm 2018 toàn thành phố mới ghi nhận 8 ca mắc sởi thì chỉ riêng trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, thành phố đã ghi nhận 6 ca mắc sởi, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 114 ca. Tính đến thời điểm hiện tại, số ca mắc sởi phân bố rải rác ở 23 quận, huyện, chưa có ổ dịch lớn. Tuy nhiên, ngành y tế nhận định, giai đoạn chuyển mùa hiện nay với thời tiết mưa ẩm là điều kiện rất thuận lợi để các bệnh về hô hấp như sởi, ho gà, cúm, thủy đậu phát triển mạnh. Vì vậy, dự báo số ca mắc sởi có thể gia tăng hơn nữa trong thời gian tới.
Còn tại TPHCM, trong tháng đầu năm 2019, thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho thấy, trung bình mỗi tuần có hơn 100 ca phải nhập viên liên quan đến bệnh sởi. Tất cả 24/24 quận, huyện của thành phố đều đã phát hiện ca bệnh sởi. Trong đó, các địa phương có nhiều ca bệnh nhất là: Thủ Đức, quận 8, quận 12 và quận Bình Tân. Hiện tại, dịch sởi ở TP HCM có xu hướng giảm nhẹ, tuy nhiên, số trẻ phải nhập viện do các bệnh liên quan đến sởi vẫn còn ở mức cao. Đáng chú ý, thống kê cho thấy có tới 95% ca mắc bệnh sởi tại TP HCM là do chưa tiêm chủng. Ngoài ra, trào lưu “anti vaccine” của một số bà mẹ khi không đi tiêm phòng sởi cho con, cho rằng chỉ cần điều trị ở nhà là con có thể tự khỏi bệnh, không cần đi tiêm vaccine,… cũng góp phần khiến mầm bệnh có khả năng lan rộng trong cộng đồng.
Theo BS Trương Hữu Khanh- Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh (BV Nhi đồng 1 TP HCM), việc các phụ huynh không đưa con đi tiêm chủng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng lây nhiễm bệnh, bởi đây chính là nguồn phát tán bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng. Một phần do sự hiểu biết của phụ huynh không đầy đủ dẫn đến việc hiểu sai về việc tiêm vaccine ngừa bệnh. Trong dịp Tết vừa qua, số bệnh nhi bị sởi nhập viện tại khoa vẫn từ 15 – 20 ca mỗi ngày, chứng tỏ vẫn còn rất nhiều người mắc sởi trong cộng đồng và việc tuyên truyền chích ngừa vẫn chưa được nhiều người thực hiện. Có những bệnh nhi mang bệnh lý mãn tính, việc điều trị khó khăn hơn nhiều.
BS Trương Hữu Khanh cho biết thêm, chỉ cần tiêm sót mỗi năm 5% thì số trẻ cộng dồn không được tiêm chủng sẽ là con số khủng khiếp dẫn đến việc mắc bệnh và lây lan nhanh hơn, thậm chí có thể dồn thành từng đợt mắc và thành dịch. Do đó, các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý để đưa trẻ đi tiêm chủng, phòng tránh bệnh kịp thời, không nên chủ quan, tin tưởng vào những trào lưu hay lời truyền tai nhau không có căn cứ, chưa được chứng minh để bảo vệ sức khoẻ của trẻ. Theo các chuyên gia y tế, vaccine sởi là vaccine an toàn và hiệu quả rất cao. Trẻ được tiêm ít nhất 2 mũi, đúng thời gian sẽ không bị mắc sởi.
Chủ động phòng bệnh
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông - xuân, với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp.
Trước tình hình dịch sởi đang có nhiều diễn biến phức tạp tại Hà Nội và TP HCM, ông Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh sởi là bệnh lưu hành đã có ở Việt Nam nhiều năm nay, các quốc gia khác trên thế giới cũng lưu hành số mắc bệnh này. Đây là bệnh có thể dự phòng bằng vaccine, các ca mắc sởi là do người dân không tiêm phòng đầy đủ hoặc chưa từng mắc bệnh này trước đó. “Người dân nếu không có miễn dịch thì khi tiếp xúc gần với người bệnh sởi sẽ rất dễ lây bệnh. Do đó, ngành y tế khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác và tiêm chủng đầy đủ”- ông Tấn nói.
PGS.TS Đỗ Duy Cường- Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết, không chỉ trẻ em, bất cứ ai chưa có miễn dịch, chưa được tiêm phòng, chưa có miễn dịch đều có thể mắc sởi. Để phòng chống bệnh sởi, giảm số trẻ không được tiêm vaccine qua nhiều năm, Bộ Y tế đã tổ chức 2 chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella tại 88 huyện của 19 tỉnh có nguy cơ cao và tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ 1-5 tuổi cho khoảng 4,2 triệu trẻ tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố từ cuối năm 2018 đến nay, đồng thời đẩy mạnh tiêm vaccine sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng định kỳ hàng tháng.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện việc chủ động đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng sởi. Trẻ trong độ tuổi cần tiêm đầy đủ, đúng lịch, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi. Riêng đối với đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm một số vaccine nhất định trong đó có vaccine rởi-rubella để bảo vệ con khi sinh ra đã có miễn dịch từ mẹ…