Đợt hạn hán kéo dài diễn ra trên diện rộng tại khắp các châu lục trong năm nay đang khiến các nhà hoạt động nhân đạo lo lắng về một tương lai mất an ninh lương thực, nguy hiểm hơn là nạn đói toàn cầu khi cây trồng đang bị chết hàng loạt và không thể sinh sôi do thiếu nước.
Ảnh hưởng trực tiếp
Theo dự báo, đợt hạn hán tồi tệ nhất ở vùng Sừng châu Phi trong hơn 40 năm gần như chắc chắn sẽ tiếp diễn sau khi Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, các dự báo từ tháng 10 đến tháng 12 cho thấy khả năng cao xảy ra tình trạng khô hạn hơn mức trung bình.
Triển vọng mới nhất xác nhận những lo ngại của các cơ quan viện trợ đã được cảnh báo trong nhiều tháng nay về hậu quả tồi tệ hơn của hạn hán đối với Ethiopia, Somalia và các vùng của Kenya. Nguy cơ cao xảy ra một nạn đói khác ở Somalia sau nạn đói cách đây một thập kỷ khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.
Hạn hán xảy ra đồng thời với sự gia tăng giá lương thực và nhiên liệu trên toàn cầu, do ảnh hưởng từ xung đột ở Ukraine, đã ảnh hưởng nặng nề nhất đến các khu vực của châu Phi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, hơn 80 triệu người ở 7 quốc gia trong khu vực - Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Uganda - được cho là không an toàn về lương thực.
Bà Carla Drysdale, người phát ngôn của WHO cho biết: “WHO rất lo ngại về tình trạng này. Nó dẫn đến việc nhiều gia đình phải thực hiện các biện pháp để tồn tại”. Từ năm 2010 đến 2012, khoảng 250.000 người đã chết vì đói ở Somalia, một nửa trong số đó là trẻ em.
Trong khi đó, theo phân tích sơ bộ của các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu chung của Liên minh châu Âu (EU), khu vực này đang đối mặt với hạn hán tồi tệ nhất trong ít nhất 500 năm, với 2/3 lục địa trong tình trạng cảnh báo nắng nóng, làm giảm vận chuyển nội địa, sản xuất điện và sản lượng một số loại cây trồng.
Cây trồng ở EU đang bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, với dự báo năng suất ngô thấp hơn 15% so với mức trung bình 5 năm, sản lượng đậu tương và hoa hướng dương cũng giảm lần lượt 15% và 12%. Nhà phân tích thị trường thực phẩm Abdolreza Abbassian cho biết: “Khi giá năng lượng vẫn tiếp tục tăng trong mùa đông tới, thiếu hụt lớn trong nguồn cung ngô đều sẽ gây tác động tiêu cực đến ngành thực phẩm và chăn nuôi”.
Dữ liệu của tờ báo kinh tế Business Standard (Ấn Độ) cho thấy, tính đến đầu tháng 8/2022, tổng diện tích canh tác lúa gạo của Ấn Độ đã giảm khoảng 13% so với cùng kỳ năm ngoái do tình trạng khô hạn diễn ra tại nhiều nơi. Dự kiến sản lượng lúa của nước này sẽ giảm 8% trong năm nay vì thiếu mưa trong khu vực.
Tìm cách ứng phó
Thế giới đang sốt sắng bổ sung nguồn dự trữ ngũ cốc, vốn đã giảm do gián đoạn thương mại ở Biển Đen và thời tiết không thuận lợi ở một số khu vực trồng trọt chủ chốt.
Tại Mỹ, hồi chuông cảnh báo mới nhất về tác động của hạn hán phát ra từ vùng Trung Tây, nơi những cánh đồng ngô khô héo đến nỗi không thể trổ bắp, còn cây đậu tương thì lép hạt. Báo cáo ảm đạm từ tổ chức nông nghiệp Pro Farmer Crop Tour sau khi khảo sát các nông trại ở Mỹ vào tuần trước đã khiến giá ngũ cốc quay trở lại mức cao nhất kể từ tháng 6.
Ngô là cây trồng chiếm ưu thế nhất và vụ thu hoạch ảm đạm sẽ ảnh hưởng xấu đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, tạo thêm áp lực cho khu vực Nam Mỹ để sản xuất vụ mùa bội thu vào đầu năm tới. Điều đó đặc biệt quan trọng nếu Trung Quốc, quốc gia đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ đầu những năm 1960, buộc phải nhập khẩu nhiều ngũ cốc hơn để nuôi đàn gia súc khổng lồ và tích trữ trong nước.
Khô hạn buộc Ấn Độ cấm xuất khẩu bột mì và lúa mì nhằm đảm bảo nguồn cung trên thị trường nội địa. Hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ) cho biết, Ấn Độ đang thảo luận các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo tấm, vốn chiếm khoảng 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ.
Trong khi đó, hai chuỗi siêu thị của Anh sẽ dự trữ cà rốt uốn cong và các loại rau củ quả có hình dạng khác trên kệ của họ trong nỗ lực hỗ trợ nông dân bị hạn hán sau đợt nắng nóng. Thông thường các sản phẩm như vậy sẽ không đạt chất lượng.
Công ty giảm giá Lidl GB thuộc sở hữu của Đức và nhà bán lẻ hạng sang Waitrose cho biết, họ sẽ nới lỏng các hướng dẫn về kích thước và hình dạng đối với trái cây và rau quả bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Các bước này cũng sẽ giúp nông dân bù đắp sự thiếu hụt trong sản lượng tổng thể do thời tiết khô hạn và lượng mưa thấp.
Tại châu Phi, dữ liệu của Liên Hợp quốc (LHQ) cho thấy, một lời kêu gọi nhân đạo trị giá 1,46 tỷ USD cho Somalia từ LHQ đã nhận được nhiều tài trợ hơn trong những tuần gần đây và hiện đã được tài trợ 67%, nhưng bà Jens Laerke, người phát ngôn của LHQ cho rằng, cần kêu gọi nhiều hơn nữa để tránh “nạn đói quy mô lớn”.
Chỉ số ngũ cốc và đậu tương đang giao dịch cao hơn gần 40% so với mức trung bình 5 năm và chi phí trồng trọt tăng cao là nguyên nhân chính gây ra lạm phát toàn cầu. Hiện tại, tình trạng thiếu lương thực đã dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Sri Lanka vào đầu năm nay, khi quốc gia này cạn kiệt ngoại tệ để thanh toán hàng hóa nhập khẩu.
Chỉ số theo dõi giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) của tháng trước đã giảm so với tháng 6, mặc dù vẫn cao hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giới phân tích cảnh báo rằng, tình trạng ấm lên toàn cầu sẽ là lực cản ngày càng gia tăng đối với sản lượng nông nghiệp trong những năm tới.
Triển vọng nông nghiệp toàn cầu năm 2023 đang khiến các nhà theo dõi thị trường lo lắng. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm, thế giới phải đối mặt với năm thứ ba liên tiếp xảy ra hiện tượng La Nina kéo dài. Hình thái này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán trên khắp nước Mỹ, cũng như gây khô hạn các vùng trồng trọt quan trọng của Brazil và Argentina.