Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp đe dọa đến nguồn cung thịt lợn cả nước. Nguồn cung khan hiếm nên dự báo giá thịt lợn sẽ tăng trong thời gian tới. Theo giới chuyên gia, ngành chăn nuôi cần tiếp tục tái cơ cấu đàn lợn, bên cạnh đó tập trung chuyển sang chăn nuôi gia cầm, bò thịt... để bù đắp lượng thịt lợn bị thiếu hụt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại, số xã, huyện có lợn mắc bệnh tăng nhanh, số lợn chết và phải tiêu hủy nhiều, do đó nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Các quý tiếp theo, số lượng đàn lợn sẽ giảm và khả năng giá lợn sẽ tăng.
Thông tin từ Bộ Công thương cũng cho hay, do nguồn cung giảm, giá thịt lợn đã tăng liên tiếp từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 và có xu hướng ổn định cho đến nay. Hiện, giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc đang cao hơn so với miền Trung và miền Nam. Cụ thể, giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc đã tăng mạnh vào những ngày đầu tháng 6/2019 do nguồn cung thiếu hụt, tuy nhiên, gần cuối tháng đà tăng đã giảm. Trung bình, giá lợn hơi đạt khoảng 37.000 - 41.000 đồng/kg, có thời điểm lên 42.000 đồng/kg, tăng từ 3.000 - 7.000 đồng/kg so với giá trung bình của tháng 5.
Tại khu vực miền Trung giá lợn trong tháng 6 đã tăng so với tháng trước và đang có giá tương đối tốt, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế giá lợn hơi dao động từ 39.000 - 40.000 đồng/kg. Tại Khánh Hòa, Ninh Thuận giá lợn đạt trên 40.000 đồng/kg. Tại miền Nam, so với cuối tháng 5/2019, giá lợn hơi tại Cần Thơ tăng 3.000 đồng/kg, lên 38.000 đồng/kg; An Giang, Đồng Tháp tăng 2.000 đồng/kg, lên 37.000 - 38.000 đồng/kg; tại Đồng Nai, giá lợn dao động ở mức 36.000 - 38.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg...
Trước tình hình này Bộ Công thương khuyến cáo, các DN cần tập trung đầu tư chăn nuôi vào nhóm gia cầm như: gà, vịt, trứng bởi đây là các sản phẩm thế mạnh của ngành chăn nuôi nước nhà, có thể tăng sản lượng nhanh trong thời gian ngắn.
Lường trước những diễn biến của ngành chăn nuôi, nhiều hộ chăn nuôi cũng đã chủ động chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, tăng sản lượng đàn gia cầm để thay thế lượng thịt lợn thiếu hụt. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, đa số các trại nuôi nhỏ lẻ đã chuyển sang chăn nuôi gia cầm, trong đó, chủ yếu chuyển sang nuôi vịt theo hướng công nghiệp do nhu cầu tiêu thụ loại thịt này tốt nên giá ổn định ở mức khá cao.
Bên cạnh việc gia tăng đàn vịt, nhiều hộ chăn nuôi cũng đã tập trung vào tăng đàn gà thả vườn, mở rộng quy mô đàn gà thay vì chăn nuôi số lượng nhỏ lẻ, manh mún như trước đây.
Để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt vào dịp cuối năm cũng như trong thời gian sau đó, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, Cục Chăn nuôi đã xây dựng kịch bản ứng phó. Theo đó, giải pháp trước mắt là tiếp tục tái cơ cấu đàn lợn, bên cạnh đó tập trung chuyển sang chăn nuôi gia cầm, bò thịt... để bù đắp lượng thịt lợn bị thiếu hụt.
Cùng với giải pháp chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi, một giải pháp cũng đang được quan tâm hiện nay đó là khuyến khích DN ngành chăn nuôi triển khai cấp đông thịt lợn. Về giải pháp này, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 14 DN có kho lạnh đủ điều kiện cấp đông. Tuy nhiên, có 5/14 doanh nghiệp chuyên xuất khẩu lợn sữa chỉ đủ phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, 9 doanh nghiệp còn lại tổng cộng kho cấp đông khoảng 6.000 tấn thịt lợn, hiện đang cấp đông 1.200 tấn. Như vậy, kho lạnh chỉ còn trống đủ chứa 4.800 tấn, con số quá nhỏ so với tổng sản lượng thịt lợn hiện nay cần cấp đông.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Nhà nước cần có cơ chế chính sách để hỗ trợ DN đầu tư vào lĩnh vực này, bởi việc trữ đông thịt lợn không chỉ là giải pháp trước mắt trong bão dịch hiện nay mà còn là giải pháp lâu dài cho toàn ngành chăn nuôi.