Dự thảo sửa đổi các luật về thuế cho thấy, một số hàng hóa, dịch vụ tương ứng với mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% được đề xuất tăng lên 6%; hàng hóa, dịch vụ đang ở mức 10% sẽ tăng lên 12%.
Ngoài việc tăng thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cũng được đề xuất tăng cao như: nước ngọt, đường, rượu, thuốc lá, xì gà… Rồi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên… cũng thi nhau giành vị trí trong danh mục đề xuất tăng. Theo nghiên cứu “Khảo sát về môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới năm 2017, chi phí kinh doanh của Việt Nam về cơ bản vẫn cao so với các nước trong khu vực Asean.
Hiện, doanh nghiệp đứng giữa một rừng ma trận thuế, phí như: đất đai, vận tải, bảo hiểm xã hội, công đoàn…đó là chưa kể đến các phí “bôi trơn” khác. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dự thảo luật điều chỉnh thuế của Bộ Tài chính được thông qua trong năm 2018 sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế. Việc tăng thuế, phí làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ví dụ cụ thể, thuế VAT là thuế gián thu đánh vào hàng hóa, dịch vụ phát sinh giá trị tăng thêm nên khi thuế suất VAT tăng thì tổng số tiền người mua các mặt hàng trên cũng tăng theo. Điều này ảnh hưởng đến người mua hàng, đến doanh nghiệp sản xuất. Trường hợp người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, hoặc lựa chọn sản phẩm khác thì ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh nói chung.
Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng, năm 2018 môi trường kinh doanh sẽ thông thoáng hơn khi Chính phủ đặt mục tiêu đưa môi trường kinh doanh ngang tầm các nước đứng đầu trong khu vực ASEAN. Động thái mới đây nhất, 675 điều kiện kinh doanh của ngành Công thương được cắt giảm. Tuy nhiên, song song kế hoạch hỗ trợ rất cần chính sách tài chính, đặc biệt là chính sách thuế ổn định trong thời gian dài, có thay đổi cũng phải dựa trên tình hình thực tế phát triển của đất nước.