Qua chuyện "sinh đôi khác bố", có người đang nghi ngờ đây là chiêu trò PR của Trung tâm phân tích ADN, có người phê phán đạo đức làm nghề của cán bộ Trung tâm.
Ảnh minh họa.
Mấy ngày nay, truyền thông lan truyền câu chuyện về 2 đứa trẻ sinh đôi khác bố. Một câu chuyện mà trừ cái tên bà Nguyễn Thị Nga – Giám đốc Trung tâm Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (Hà Nội) là có thật, phần còn lại giống như một câu chuyện bịa. Sau nó, hàng loạt những chuyện hấp dẫn, ly kì khác liên quan đến xét nghiệm ADN được lôi ra kể tiếp.
Khi phóng viên đem những câu chuyện liên quan đến ADN hỏi một bác sĩ sản khoa về trường hợp sinh đôi khác bố, ông cười: Chuyện tào lao. Rồi ông nói rằng trong khi học ở trường, sinh viên được dạy chẩn đoán bệnh và chữa bệnh, nhưng còn phải được dạy cách giải thích bệnh với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Không bác sĩ nào lại đi nói với bệnh nhân rằng anh sắp chết rồi, hay anh mắc bệnh ung thư đấy, hay bệnh anh y học bó tay rồi. Giải thích với người nhà cũng còn phải lựa lời, nói thế nào để hiểu mức độ của bệnh mà vẫn không làm người ta tuyệt vọng.
Đạo đức nghề nghiệp bắt buộc người ta phải cân nhắc, có những thông tin mình nắm được mà không nên nói ra, nếu điều đó chẳng những không giúp gì cho bệnh nhân mà còn khiến người ta suy sụp vì tuyệt vọng, hoặc rất có thể tan nát một gia đình, có tội với những đứa trẻ…
Chị H.T. – một người chuyên tư vấn tình cảm tâm lý thì chia sẻ: Trong cuộc đời tư vấn tâm lý, tôi được nghe hàng trăm câu chuyện tâm sự, của hàng trăm cảnh đời khác nhau, uẩn khúc, éo le đủ cả. Thế mà nếu mình cứ đem hết chuyện nhà này, nhà khác ra phơi lên mặt báo thì ai người ta còn tìm đến mình nữa.
Chuyện đời mỗi người, mỗi nhà là cũng bần cùng bế tắc lắm người ta mới tìm mình tâm sự, mong nhận được sự giải tỏa và một lời khuyên. Thế thì mình phải là nơi để thấm hết những câu chuyện ấy, đặt mình vào hoàn cảnh của họ, rồi từ muôn vàn câu chuyện mình nghe được mà đúc rút thành lời khuyên. Chứ nghe xong rồi bô bô đi kể thì đâu còn là đạo đức nghề nghiệp…
Lời tâm sự của hai con người có chuyên môn, có kinh nghiệm, có sự từng trải đem soi chiếu vào những câu chuyên liên quan đến xét nghiệm ADN ầm ĩ trên mạng xã hội và một số tờ báo vài ngày qua cho thấy hình như đang có một sự quá đà trong ứng xử nghề nghiệp. Có người đang nghi ngờ đây là chiêu trò PR của Trung tâm phân tích ADN, có người phê phán đạo đức làm nghề của cán bộ Trung tâm.
Không biết mức độ sự thật của những câu chuyện ấy theo lời kể của những cán bộ làm công tác xét nghiệm với báo chí là đến đâu, điều quan trọng mà ta nên đặt dấu hỏi là họ - cả người kể và những người đem lời kể ấy lan truyền ra công luận – đang đạt mục đích gì khi làm việc ấy?
Mọi lối sống và cách sống phi đạo đức, không đúng với luật pháp và thuần phong mỹ tục thì đều bị lên án và có các qui định, qui ước xã hội để điều chỉnh. Không xã hội nào chấp nhận và hoan nghênh việc sống với người này có con với người khác. Nhưng xã hội cũng không điều chỉnh những hành vi này bằng biện pháp bô bô kể chuyện ai đó trên công luận. Bởi vì nó liên quan đến nhiều con người, nhiều cuộc đời mà người kể có thể vì để “mua vui” nhưng làm đau đớn những người trong cuộc và làm cho con người thêm bi quan về nhau.