Đó là một trong những giải pháp được ông Trần Anh Tuấn (ĐBQH đoàn TP HCM), Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhắc đến khi trao đổi với ĐĐK về những biện pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.
Doanh nghiệp tư nhân cần thêm động lực mới để phát triển.
PV: Thưa ông, kinh tế tư nhân chiếm một tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế nước ta hiện nay. Tuy nhiên hiện khu vực này đang gặp nhiều khó khăn. Vậy theo ông đâu là “rào cản” lớn nhất?
Ông Trần Anh Tuấn: Hiện nay, kinh tế tư nhân chỉ có một vài tập đoàn lớn, còn đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ gặp nhiều khó khăn vướng mắc về vốn, công nghệ, thị trường, nguồn nhân lực, đội ngũ quản lý.
Trong tiếp cận ngân hàng thì không có đủ tài sản để thế chấp vay vốn, hay định hướng chiến lược kinh doanh cũng chưa sát với yêu cầu thực tiễn, thị trường để phát triển sản phẩm.
Cho nên họ rất loay hoay trong kế hoạch và chiến lược kinh doanh, rồi thiếu tính liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, quy mô nhỏ nhưng tính liên kết không có cho nên những cái đó tạo áp lực cho sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.
Đại hội lần thứ XII của Đảng đã khẳng định, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Vậy chúng ta cần những giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho lực lượng này khi nó chiếm phần lớn trong các thành phần kinh tế hiện nay của nước ta, thưa ông?
- Quốc hội vừa rồi đã bàn đến Luật hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó chủ yếu tập trung vào phần kinh tế tư nhân. Vì doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu là kinh tế tư nhân.
Qua đó cũng đã bàn đến những nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển của kinh tế tư nhân. Đa số trên 500 ngàn doanh nghiệp cả nước hiện nay thì phần kinh tế tư nhân chiếm rất lớn, bây giờ chúng ta đang có chủ trương thu hút vốn xã hội vào để phát triển kinh tế tư nhân.
Kinh tế tư nhân phát triển thì đất nước mới phát triển được vì nó đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Vừa qua đã có những biện pháp hỗ trợ về thị trường, công nghệ, và sự liên kết chuỗi sản xuất cho một số ngành lĩnh vực để tạo sức bật cho kinh tế tư nhân phát triển.
Đó là những giải pháp ban đầu, còn lại là tùy vào sự năng động của chính quyền địa phương để hỗ trợ về nguồn vốn, nguồn lực, thay đổi về công nghệ. Các giải pháp cũng tùy thuộc vào điều kiện của địa phương có sự kết nối. Mỗi địa phương có thế mạnh gì thì gắn với chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp tư nhân vào chuỗi đó. Từ khâu cung ứng cho đến sản xuất, tiêu thụ.
Ví dụ như ở TP HCM trong nông nghiệp thì gắn với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như: cây cảnh, cá cảnh, rau sạch, rau an toàn. Gắn doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu với doanh nghiệp chế biến, rồi kết nối đầu ra với các tập đoàn bán lẻ để họ phát triển vươn lên, đó cũng là giải pháp để đưa họ lớn lên. Hay trong sản xuất linh kiện phụ trợ thì gắn với công nghiệp phụ trợ, tập trung khuyến khích, tạo mặt bằng không gian cho họ trong sản xuất như gắn kết với các tập đoàn lớn: Intel hay Samsung trong chuỗi sản xuất toàn cầu để dần dần sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất.
Do đó điều mà tôi muốn nhấn mạnh là cần biết phát huy thế mạnh của từng địa phương để từ đó hỗ trợ, gắn kết với các tập đoàn đa quốc gia nhằm đưa sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân ra thị trường bên ngoài. Đó là một số giải pháp cơ bản để tạo sự chuyển biến mạnh hơn trong phát triển kinh tế tư nhân.
Ông Trần Anh Tuấn.
Lâu nay các doanh nghiệp tư nhân yếu nhất ở khâu quản trị. Vậy chúng ta cần những chính sách hỗ trợ thay đổi ngay từ khâu quản trị trong doanh nghiệp?
- Đúng vậy. Khâu quản trị thực sự là yếu vì tầm chiến lược của họ không có, sản xuất không có kế hoạch mang tính trung và dài hạn. Giống như “ăn xổi ở thì”, cứ mua về rồi sản xuất, kế hoạch sản xuất không có trung hạn, dài hạn.
Ngay cả chiến lược đào tạo cán bộ quản lý cũng ít doanh nghiệp có chiến lược mà vẫn quản trị theo lối gia đình. Tính chuyên nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ rồi phân phối cũng rất thiếu chuyên nghiệp đôi khi làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, kể cả quy mô phát triển cũng bị hạn chế.
Qua khảo sát những ngành công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp nhỏ vừa cho thấy định hướng, chiến lược mang tính phát triển các sản phẩm, mở rộng thị trường, chiến lược đào tạo cán bộ, thu hút nhà quản trị giỏi cũng bị hạn chế, ít chú trọng. Họ chỉ tập trung cho sản xuất hiện tại chứ chưa nghiên cứu nắm bắt thị trường, thị hiếu. Nó làm cho sản xuất mang tính vụn vặt lắm, thiếu tính chuyên nghiệp.
Thưa ông, Chính phủ đã khẳng định là một Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Vậy theo ông trong thời gian tới, Chính phủ cần có những cơ chế chính sách nào để thực sự kiến tạo giúp cho doanh nghiệp phát triển?
- Kiến tạo là một trong những quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, môi trường đầu tư để tạo điều kiện động lực. Ngoài những hỗ trợ mang tính tài chính, thì xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động đó là những cái Chính phủ đang làm.
Đặc biệt đột phá từ các khâu thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển một cách bình đẳng là điều mà Chính phủ đang quyết tâm xây dựng cho tốt hơn.
Hiện chúng ta cũng đang triển khai nhiều biện pháp để cải thiện môi trường đầu tư cho minh bạch, không có nhiều chi phí không chính thức. Tức là minh bạch về thủ tục đầu tư, cơ chế chính sách trong tất cả các lĩnh vực, hạn chế tối đa các chi phí phi chính thức bất hợp lý.
Đó là cái đang xây dựng và tiến tới. Những chi phí không chính thức cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Do đó cần hạn chế và dần đi đến không có chi phí không chính thức góp phần tạo động lực để cho các doanh nghiệp phát triển. Bởi qua khảo sát cho thấy hiện chi phí không chính thức vẫn còn nhiều. Kinh tế tư nhân chiếm một tỷ trọng ngày càng lớn trong 3 khu vực kinh tế. Muốn kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh thì tất cả các chi phí không chính thức cần phải loại bỏ vì nó ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!