Mấy ngày qua, thông tin về quy định sức khỏe người lái tàu sẽ được áp dụng trong thời gian tới đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Nguyên nhân bởi trong dự thảo thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu đã đưa ra các quy định về vòng ngực, chức năng sinh lý, bệnh lý (nhãn khoa, tai mũi họng, tim mạch, hô hấp, khớp, da liễu, tiêu hóa, nội tiết chuyển hóa (béo phì, gout…), tiết niệu - sinh dục nữ/nam, răng vẩu… khi khám sức khỏe cho việc tuyển dụng và khám định kỳ.
Bắt đầu từ cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Y tế tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu. Đáng chú ý, một trong những quy định gây tranh cãi nhất trong Dự thảo lần 1 của Bộ Y tế chủ trì xây dựng về khám sức khỏe lái tàu, nhân viên đường sắt là nam phải khám cơ quan sinh dục, nữ phải có vòng ngực trên 75 cm.
Theo đó, quy định này hướng dẫn khám sức khỏe cho các chức danh của ngành đường sắt như lái tàu, phụ lái tàu, trưởng tàu, trực ban chạy tàu ga, điều độ chạy tàu, nhân viên gác ghi, nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe… yêu cầu khám 13 mục như: mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, tim, phổi, máu, hệ tiêu hóa, tâm thần, hệ tuần hoàn, hệ sinh dục, ngoài da - da liễu, nội tiết, u các loại và ngoại hình.
Đặc biệt, với những hạng mục liên quan đến chức năng sinh lý, sinh dục có các chỉ số cụ thể như: tràn dịch tinh hoàn nam; rò bàng quang âm đạo, các biểu hiện viêm, viêm cạnh tử cung, viêm mạn tính vòi trứng; u nang buồng trứng, trĩ, ruột thừa... Do đó, theo dự thảo này, Bộ Y tế yêu cầu khám tuyển đầu vào lái tàu, phụ lái tàu, loại các trường hợp bị tràn dịch màng tinh hoàn, bệnh đường niệu đạo - dương vật phải can thiệp phẫu thuật.
Trong tiêu chuẩn thể lực, các đối tượng trên đều phải đạt chỉ số tối thiểu về chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, lực bóp tay, lực kéo thân (trừ một số vị trí khi khám định kỳ). Chẳng hạn tiêu chuẩn khám tuyển dụng lái tàu, phụ lái tàu là nam giới phải cao từ 1,64 m trở lên, cân nặng từ 52 kg, vòng ngực trung bình từ 80 cm, lực bóp tay thuận từ 37 kg, lực kéo thân từ 100 kg.
Nữ giới là trưởng tàu, trực ban chạy tàu, nhân viên gác ghi, điều độ chạy tàu phải cao từ 1,53 m, cân nặng 45 kg, vòng ngực trung bình từ 75 cm trở lên. Nam, nữ nhân viên tuần đường, gác chắn cũng phải đạt các chỉ số tối thiểu về chiều cao, cân nặng, vòng ngực. Ở nhóm bệnh ngoài da, dự thảo này quy định các bệnh viêm da, ghẻ có biến chứng, xạm da từ độ 2 trở lên thuộc nhóm không đủ điều kiện sức khỏe để tuyển dụng.
Lý giải về việc cho ra đời Dự thảo thông tư này, Bộ Y tế cho biết, trên cơ sở nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của Bộ Giao thông vận tải (năm 1988 – 2000), sau khi lấy ý kiến của các nhà khoa học, giáo sư, các nhà khoa học đầu ngành của ngành y tế và ngành giao thông vận tải, năm 2001 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành “Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới, trong đó có đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và đường biển”.
Theo Bộ Y tế, từ đó đến nay ngành đường sắt đã và đang áp dụng những tiêu chuẩn sức khỏe để khám sức khỏe tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên đường sắt. Tháng 9/2017, Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ tàu. Thông tư này là căn cứ để cơ sở khám chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe cho nhân viên đường sắt và là căn cứ để ngành giao thông vận tải tuyển dụng nhân viên đường sắt phù hợp với các chức danh. Hơn nữa công việc này không nên có các dị tật làm ảnh hưởng đến thao tác chuyên môn liên quan đến việc phục vụ chạy tàu. Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu công việc và đảm bảo tính mạng cho chính những nhân viên đường sắt khi làm nhiệm vụ.
Trước những phản ứng từ dư luận, tổ biên tập thông tư nói trên cho hay, những đóng góp ý kiến từ người dân những ngày qua là kênh thông tin cần thiết, giúp tổ biên tập rà soát, điều chỉnh những tiêu chuẩn sức khỏe đã nêu trong Dự thảo thông tư, nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, đảm bảo quyền tham gia làm việc trong ngành đường sắt của mọi công dân. Trước những ý kiến từ giới chuyên môn về các tiêu chí sức khỏe không an toàn chạy tàu như đã liệt kê ở trên, nhóm soạn thảo thông tư cho hay, sẽ loại bỏ các tiêu chí không liên quan đến an toàn chạy tàu như răng hô, ngực lép, tinh hoàn ẩn, tinh hoàn lạc chỗ…
Còn nhớ trước đó, Bộ Y tế cũng từng công bố dự thảo gây tranh cãi khi quy định về tiêu chuẩn sức khỏe với người lái xe trong đó người có chiều cao cân nặng thấp, vòng ngực “lép”… không được lái xe. Sau đó quy định này đã được bãi bỏ.
Việc xây dựng và ban hành tiêu chí sức khỏe của người lái xe, hoặc người làm việc trong ngành đường sắt thời gian qua đã cho thấy đây là là một vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng, có sự tác động đến hầu hết các thành phần dân cư trong xã hội, đến quyền lợi của người lao động. Do đó, những đóng góp từ các chuyên gia, từ người dân cần được xem chính là kênh tham khảo hữu ích; cần được tôn trọng, lắng nghe và điều chỉnh. Những quy định mang tính hành chính nhưng cũng vừa thiết thực trong đời sống sẽ được người dân ủng hộ, nhất trí và đồng lòng.