Loài chim có chiếc mỏ đắt giá đang bị đe dọa

Linh Chi 14/10/2015 22:50

Các đường dây buôn lậu ngà voi luôn thu hút được sự quan tâm của dư luận và giới hoạt động môi trường, nhưng có một loại “ngà” khác đang được xem là có giá trị hơn nhiều. Loại “ngà” này đến từ loài chim Hồng hoàng đội mũ (Helmeted hornbill) sinh sống ở khu vực Đông Á.

Loài chim có chiếc mỏ đắt giá đang bị đe dọa

Hồng hoàng đội mũ có chiếc mỏ đặc biệt hơn hẳn so với các loài chim mỏ sừng khác.

Và chính vì “ngà” của chúng có giá trị hơn, trong bối cảnh chính quyền nhiều nước đang mở rộng các chiến dịch bắt giữ buôn lậu ngà voi, nên loài Hồng hoàng đội mũ đang trở thành con mồi béo bở của những kẻ đi săn, và đứng trước nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng.

Loài Hồng hoàng đội mũ có kích thước khá lớn, trọng lượng lên đến 3 kg và đặc biệt là sở hữu một biếu sừng keratin trải dài từ phần trước đầu đến phần mỏ. Chiếc “mũ sắt” này rất nặng, chiếm đến 11% trọng lượng toàn cơ thể của loài chim này.

Trong số tất cả các chủng loại chim mỏ sừng (hornbill) – khoảng 60 loài ở châu Phi và châu Á – thì phần “mũ sắt” này thường là rỗng bên trong, nhưng đối với Hồng hoàng đội mũ thì lớp mũ sắt này lại rất cứng và đặc. Các con hồng hoàng đội mũ đực thường dùng nó trong các cuộc cận chiến và như một thứ công cụ để kiếm thức ăn rất hiệu quả.

Loài chim có chiếc mỏ đắt giá đang bị đe dọa - 1

Phần mỏ cứng thường được xem là chất liệu
điêu khắc hàng đầu, và có giá cao gấp 3 lần so với ngà voi.

Hồng hoàng đội mũ thường sinh sống ở Malaysia và Indonesia. Trên các quần đảo Sumatra và Borneo, chúng thường tập trung trong các khu rừng nhiệt đới. Thức ăn chủ yếu của loài này là hoa quả, các loại hạt và thường được xem là “những người nông dân của rừng” bởi chúng giúp phân tán hạt của các loài cây trong rừng.

Hồng hoàng đội mũ có sải cánh dài đến 2 m, lông hai màu trắng và đen. Chúng được xem là một loài chim bí ẩn và rất cảnh giác, thường thì người ta chỉ nghe thấy tiếng kêu chứ ít khi tận mắt trông thấy được chúng.

Sự cảnh giác cao độ của chúng là có lý do: Hàng nghìn con Hồng hoàng đội mũ bị giết mỗi năm để lấy phần “mũ sắt”, chủ yếu bị bắn chết bởi thợ săn và sau đó phần mũ sắt được bán sang Trung Quốc.

Trong khoảng từ 2012-2014, chính quyền Indonesia đã thu được đến 1.111 con Hồng hoàng đội mũ từ những kẻ buôn lậu ở tỉnh Kalimantan của nước này. Theo nhà nghiên cứu loài chim mỏ sừng, ông Yokyok Hadiprakarsa, ước tính có khoảng 6.000 cá thể loài Hồng hoàng đội mũ bị săn bắt mỗi năm ở khu vực Đông Á.

Mũ sắt của loài Hồng hoàng đội mũ - thứ mà tay thợ săn trái phép sẵn sàng liều mình để có được - đôi lúc còn được gọi là “ngà”. Nó là một thứ chất liệu mềm mượt màu vàng nhạt, rất phù hợp để điêu khắc…Trong suốt hàng trăm năm qua, mũ sắt của Hồng hoàng đội mũ luôn là thứ chất liệu mà các nghệ nhân Trung Quốc và Nhật Bản khao khát có được để tạo nên các tác phẩm điêu khắc đắt giá. Nghệ nhân Nhật Bản còn dùng chất liệu này để khắc lên các tấm vải buộc lưng của bộ Kimono dành cho đàn ông ở nước này. Ngoài ra, những chiếc mũ sắt này còn đến cả thị trường châu Âu, cụ thể là nước Anh, và trở nên cực kỳ phổ biến hồi thế kỷ 19.

“Có nhiều ghi chép cho thấy ngà của loại chim mỏ sừng đã được tiến cho Shogun (Đại tướng quân)” – Noriku Tsuchiya, quản lý phòng trưng bày Nhật Bản tại Viện bảo tàng Anh, cho hay – “Nhưng không may thay, đến đầu thế kỷ 20 loài chim này đã trở nên cực hiếm bởi bị săn bắn quá độ và bị hạn chế buôn bán”.

Hiện nay, dù việc buôn bán các loại chim mỏ sừng bị coi là phi pháp, nhưng các mạng lưới buôn lậu ngầm thì vẫn tồn tại. Phần mũ sắt của chim mỏ sừng có giá khoảng 6.150 USD/kg – đắt gấp 3 lần so với ngà voi. Trong khi việc sát hại voi và tê giác để lấy sừng, ngà luôn được báo chí đưa tin rất kỹ; thì việc tương tự xảy ra với loài chim mỏ sừng lại không hề được lưu tâm.

Loài Hồng hoàng đội mũ cũng là loài có giá trị văn hóa to lớn trong suốt hàng nghìn năm qua. Nó được coi là huy hiệu của Nhà nước Sarawak ở Malaysia trước kia, và là linh vật đối với khu vực Tây Kalimantan của Indonesia. Người Dayak sống trên đảo Borneo tin rằng loài chim này mang linh hồn người chết sang thế giới bên kia, làm nghĩa vụ như một sứ giả của Chúa Trời và việc giết hại chúng là điều cấm kỵ.

Hiện nay không chỉ nạn săn bắn bừa bãi khiến loài chim này ngày càng giảm nhanh chóng về số lượng, mà cả môi trường sống của chúng cũng đang chịu áp lực lớn. Khi nhu cầu về dầu cọ đang tăng lên nhanh chóng ở miền Tây Indonesia, các nhà phát triển đã không ngần ngại san phẳng các khu rừng nhiệt đới để trồng cọ. Các nhà nghiên cứu thuộc trường ĐH Quốc gia Singapore ước tính rằng, quần đảo Sumatra và Borneo hiện đang mất đi gần 3% diện tích rừng nhiệt đới mỗi năm.

Hậu quả là, loài Hồng hoàng đội mũ được liệt vào danh sách các loài đang bị đe dọa và có thể trong tương lai sẽ được kiểm soát chặt chẽ do số lượng giảm quá nhanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loài chim có chiếc mỏ đắt giá đang bị đe dọa