Loại trừ các chất làm suy giảm tầng ôzôn và biến đổi khí hậu

Duy Hưng - Văn Thứ 18/09/2015 09:25

Đó là chủ đề buổi tọa đàm do Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Nam Định tổ chức mới đây tại TP Nam Định…

Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (BĐKH): Tầng ôzôn được xem là tấm lá chắn bảo vệ sự sống trên trái đất khỏi các tia cực tím từ mặt trời. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển con người đã phát minh, sử dụng và thải ra khí quyển một lượng lớn hóa chất, trong đó có các chất làm suy giảm tầng ôzôn (ODS).

Hậu quả là tầng ôzôn bị suy thoái, lỗ thủng tầng ôzôn đã xuất hiện ở Nam Cực vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước và có nguy cơ lan rộng, đe dọa sự sống trên hành tinh chúng ta, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Việc loại trừ các chất làm suy giảm tầng ôzôn, ứng phó và giảm nhẹ BĐKH đang là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi nỗ lực chung của toàn cầu.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ tầng ôzôn, những năm qua cộng đồng quốc tế đã có một số hoạt động cụ thể. Theo đó, từ năm 1985, Công ước Vienna về bảo vệ tầng ôzôn đã ra đời; năm 1987, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn được các nước phê chuẩn. Từ tháng 1-1994, Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal.

Để hạn chế sự ấm lên toàn cầu cần phải hạn chế và quản lý chặt chẽ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và những khí nhà kính khác. “Từ năm 1971 đến năm 2010 nhiệt độ bề mặt đại dương đã tăng lên 0,11ºC mỗi thập kỷ. Kể từ giữa thế kỷ XIX, mức độ dâng lên của mực nước biển cao hơn mức độ trung của hai thế kỷ trước. Từ năm 1901 đến năm 2010, mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng lên 0,19m”, ông Hiếu thông tin.

Cùng đến từ Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH, ông Lương Đức Khoa cho biết: Ở nước ta, trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình tăng khoảng 0,5-0,7ºC. Mức thay đổi nhiệt độ cực đại trên phạm vi cả nước nhìn chung dao động trong khoảng -3ºC đến 3ºC; mức thay đổi nhiệt độ cực tiểu chủ yếu dao động trong khoảng -5ºC đến 5ºC. Xu thế chung của nhiệt độ cực đại và cực tiểu là tăng. Tốc độ tăng của nhiệt độ cực tiểu nhanh hơn so với nhiệt độ cực đại, phù hợp với xu thế chung của BĐKH toàn cầu…

Tại buổi tọa đàm, các ý kiến đều thống nhất nhìn nhận nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng BĐKH được xác định là do các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hoạt động sản xuất nông nghiệp, đô thị hóa, khai thác rừng. BĐKH đã và đang tác động, ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến môi trường, hậu quả rõ nhất là tình trạng nước biển ngày càng dâng cao.

Theo các đại biểu, một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay là sớm tiến hành đánh giá tác động của BĐKH, xây dựng được các biện pháp thích ứng hiệu quả trong các lĩnh vực: tài nguyên nước, vùng ven biển, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, sức khỏe cộng đồng….

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loại trừ các chất làm suy giảm tầng ôzôn và biến đổi khí hậu