Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta khá bất ngờ khi thấy xuất hiện danh xưng “Nữ hoàng văn hoá tâm linh Việt Nam” sau một sự kiện ồn ào mà người đang giữ danh xưng này đảm nhận một vai trò quan trọng. Loạn danh xưng vốn đã là câu chuyện bấy lâu nay nhưng nếu không có sự việc lần này, thì có lẽ khó tưởng tượng nổi trên đời lại có những danh hiệu kỳ quặc đến vậy. Ngay sau đó, nhờ các nguồn thông tin xuất hiện rồi cũng láng máng hiểu vì sao một người phụ nữ lại được gắn với danh hiệu này.
Có lẽ chăng là bởi vì “nữ hoàng” vốn là cô đồng Phạm Nữ Hiền Ngân - một người có những hoạt động hầu đồng và mong muốn quảng bá rộng rãi hầu đồng ra khắp thế giới như một nét văn hoá tâm linh Việt Nam. Ở đây chúng tôi xin không bình luận về cá nhân “nữ hoàng văn hoá tâm linh” Phạm Nữ Hiền Ngân.
Điều đáng nói ở đây là những danh hiệu được trao, được phong từ đâu, nhân danh điều gì, theo tiêu chí nào? Điều đáng nói hơn cả là khi được hỏi đến thì cơ quan quản lý nhà nước về các cuộc thi, các danh hiệu đã trả lời theo kiểu không biết gì về những cuộc thi hoặc danh xưng như thế. Nghĩa là một cuộc trao danh hiệu cho đến thời điểm này được hiểu là không hề được cấp phép.
Trong khi đó rõ ràng có những bức ảnh và video cho thấy chính ông Vương Duy Biên, vào thời điểm đó vẫn đang là Thứ trưởng Bộ VHTTDL đã bước lên bục trao danh hiệu “Nữ hoàng văn hoá tâm linh”. Sự việc được vị cựu Thứ trưởng lý giải là được mời đến dự, được mời lên trao danh hiệu nhưng không hề biết Chương trình này không được cấp phép...
Trở lại với việc lạm dụng việc phong tặng danh hiệu một cách bừa bãi của rất nhiều hội nọ hội kia. Mà cụ thể trong việc cho “ra đời” danh hiệu “nữ hoàng văn hoá tâm linh Việt Nam” là “công lao” của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam. Người ta nhớ rằng hình như cũng Hội này đã phong danh hiệu “giáo sư âm nhạc” cho ca sĩ Ngọc Sơn?!
Đương nhiên, sẽ có những lý giải theo kiểu việc phong tặng một danh hiệu nào đó là theo tiêu chí của đơn vị tổ chức và họ có những lý do cụ thể để làm việc đó. Ví dụ như trao tặng danh hiệu “Nữ hoàng văn hoá tâm linh” cho cô đồng Phạm Nữ Hiền Ngân là để “tri ân cho những đóng góp của cô cho văn hoá nước nhà”. Tuy nhiên, tiêu chí nào thì cũng phải mang những giá trị được cộng đồng thừa nhận và có ý nghĩa chung mà trong câu chuyện cụ thể này thì đó là một danh hiệu vừa mù mờ vừa hoàn toàn không mang ý nghĩa văn hoá nào cả.
Cách đây vài năm, đã từng có những chuyện rất lộn xộn trong việc phong tặng các danh hiệu, nhất là việc lạm dụng các danh hiệu dân gian. Và Bộ VHTTDL đã từng có văn bản đề nghị các hội dừng việc cấp chứng nhận tôn vinh các danh hiệu. Và thời điểm đó, dư luận đã nghe được những thông tin cho rằng nhiều người đã phải đóng tiền để được cấp chứng nhận của hội nọ nội kia.
Ở đây, chúng tôi không đánh đồng tất cả các danh hiệu từng được trao tặng. Đã có những danh hiệu mà sự tôn vinh cần thiết và kịp thời vừa lại sự tri ân và cổ vũ cho những đóng góp của rất nhiều cá nhân đối với xã hội, với cộng đồng, với sự phát triển của văn hoá nước nhà. Tuy nhiên, quả thực chúng tôi cũng đã từng bắt gặp những tấm bằng chứng nhận mà người nhận nó kể rằng họ đã phải đóng góp một số kinh phí nào đó. Nhiều nơi coi việc cấp chứng nhận như một nguồn thu, ăn theo là các công ty, các đơn vị tổ chức sự kiện dựa vào đó để tổ chức cuộc thi này, sự kiện kia, trao giải và trao tặng danh hiệu tràn lan…
Nhắc lại một lần từng có văn bản chấn chỉnh của cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá và liên tưởng đến danh hiệu như “nữ hoàng văn hoá tâm linh” để thấy những động thái chấn chỉnh chưa thực sự hiệu quả. Có lẽ ngoài việc quản lý, rà soát chặt chẽ trong việc cấp phép cho các chương trình, các cuộc thi, các sự kiện… thì việc quan trọng là làm thế nào để các tổ chức xã hội, các hội đoàn phải thực hiệu đúng quy định về danh hiệu được sử dụng, mỗi danh hiệu phải có tiêu chí rõ ràng, có trình tự đề xuất và thẩm định đủ thẩm quyền lẫn uy tín khoa học, văn hoá. Biện pháp quản lý đủ để ngăn ngừa việc lạm dụng vinh danh danh hiệu…
Đương nhiên, đối với xã hội, danh xưng của mỗi cá nhân phải là sự xứng đáng với khả năng và đóng góp của họ. Y phục xứng kỳ đức, danh hiệu và giá trị thực phải tương xứng với nhau. Mọi sự vinh danh nếu là tuỳ tiện thì đều không được xã hội thừa nhận và tôn trọng. Danh hiệu khi đã trở lên lệch lạc thì người khoác lên mình danh xưng ấy giống như đang phải chịu một sự chê cười.
Trong các biểu hiện của lệch lạc văn hoá, loạn danh hiệu cũng là một trong những biểu hiện của xuống cấp về văn hoá mà sự chạy theo giá trị vật chất theo kiểu lợi cả đôi đằng (một bên trao tặng danh hiệu tràn lan nhằm tổ chức sự kiện thu tiền, một bên dùng danh hiệu như một cách để làm sang, thậm chí dùng vào những mục đích khác) đang chi phối. Cũng không phải là quá khó để chấn chỉnh.