Đất trồng cây lâu năm, nông nghiệp được “hô biến” thành hàng chục thửa đất rồi bán với giá hàng trăm triệu đồng/thửa là thực trạng nhức nhối ở nhiều địa phương.
Tình trạng phân lô bán nền bát nháo diễn ra ở nhiều tỉnh thành. Khi nhiều cơ quan chức năng địa phương đang lúng túng thì việc cấm cứ cấm, làm cứ làm?
Tách thửa núp bóng khu dân cư
Ở Đồng Nai, đất phân lô, tách thửa núp bóng khu dân cư cũng “nở rộ”. Đơn cử như trên trang khangthinhphat.com.vn đang quảng cáo các thông tin hàng loạt khu dân cư như: Golden City, Golden Center, New City, Royal Land... Trong đó, nói về khu dân cư Golden City trang web này cho rằng, đây là một trong số rất ít khu dân cư có sổ riêng từng nền, thổ cư 100%, xây dựng tự do, pháp lý rõ ràng.
Trên trang web này còn quảng cáo khu dân cư nằm trên trục đường chính 60 m dẫn vào Sân bay quốc tế Long Thành, mặt tiền đường Phùng Hưng, liền kề các khu công nghiệp nên thích hợp cho việc đầu tư kinh doanh buôn bán và các dịch vụ tiện ích khác…
Ngoài ra, khu dân cư Golden City còn có hàng loạt các tiện ích bên ngoài cơ bản trong bán kính 2 km gồm có: Nhà trẻ, chợ, trung tâm thương mại, trường học, trường Sĩ quan Lục quân 2, trung tâm thể dục thể thao, bệnh viện Quốc tế, khu du lịch sinh thái.
Cùng với những lời có cánh, khu dân cư Golden Center ở xã An Viễn cũng đươc quảng cáo sở hữu vị trí đắc địa, nằm ngay trục giao thông trọng điểm khu vực phía đông kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ.
Còn trên trang sunriseholdings.vn cũng quảng cáo 2 khu dân cư Golden Center, Golden City với nội dung như trên. Một nhân viên kinh doanh cho biết, 2 dự án trên do Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh Bất động sản Khang Thịnh Phát và Công ty Sunrise Holdings (cùng địa chỉ số 348/7-9 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM) bán hàng. Cả 2 “dự án” đều đươc hoàn chỉnh hệ thống pháp lý, khách hàng yên tâm mua, đảm bảo sau 3 tháng giá sẽ chênh lệch 200 – 300 triệu/1 nền.
Ở khu dân cư Golden Center hiện đã được xây dựng các tuyến đường nội khu, trồng một số cây xanh nhưng không có bất kỳ tiện ích nào được xây dựng, cũng không có bất cứ người dân nào xây nhà hay sinh sống trong khu đất này.
Cách đó khoảng 500 m là khu dân cư Golden City đã làm các tuyến đường, vỉa hè nhưng có dấu hiệu xuống cấp. Dù khu dân cư được quảng cáo nằm trên trục đường chính 60 m dẫn vào sân bay quốc tế Long Thành, mặt tiền đường Phùng Hưng, nhưng thực tế tuyến đường giáp dự án chỉ khoảng hơn 5 m và mới chỉ được trải đá.
Cả 2 khu dân cư cũng không thuộc sở hữu của bất kỳ công ty nào mà do một vài cá nhân tự đứng ra làm. Cụ thể, hai khu dân cư Golden Center và Golden City được hợp lại từ rất nhiều thửa đất nhỏ thuộc sở hữu của các cá nhân như: bà L.N.H. (ở 291 Nguyễn Thị Nhỏ, phường 16, quận 11, TP HCM); bà N.K.V. (E604 phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai); bà N.T.L.H. (phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai); ông C.N.B. (phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Các cá nhân này đã ủy quyền lại cho Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh Đất Phát Corp (93-94 Quốc lộ 51, phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để làm các thủ tục pháp lý như: đo vẽ, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng và nhận tiền chuyển nhượng… Sau đó, Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh Đất Phát Corp đã đưa các nền đất trên cho Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh Bất động sản Khang Thịnh Phát và Công ty Sunrise Holdings bán hàng.
Còn ở Bảo Lộc và Bảo Lâm hàng loạt những dự án bất động sản trái phép đang rầm rộ thi công là những đại dự án có diện tích hơn 10 ha, thậm chí 41 ha (gấp 1,4 lần khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt). Có dự án nằm ngay trong trung tâm TP Bảo Lộc.
Đáng chú ý, trong khi Công an tỉnh Lâm Đồng đang vào cuộc điều tra việc hiến đất mở đường, phân lô tách thửa, thực hiện các dự án bất động sản lậu thì tại vùng chè Bảo Lộc, Bảo Lâm hoạt động thi công các dự án trái phép vẫn rầm rộ như không có chuyện gì xảy ra.
Ở dự án Sun Valley (đường Tản Đà, xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm) do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản Khải Hưng chào bán, nguyên một vùng đồi 41 ha đất đồi chè, cà phê đã được chuyển sang đất ở nông thôn gần đây đang bị san gạt để phân lô.
Hiện tại khu đất như một đại công trường và các sai phạm có thể thấy ngay: San gạt không phép, làm đường không phép, xây dựng nhiều hạng mục thuộc hạ tầng dân cư không phép, hiến đất cho Nhà nước nhưng sau đó tự ý tác động... Với diện tích tác động cực lớn, thay đổi toàn bộ cảnh quan nhưng chưa có báo cáo tác động môi trường.
Các dự án lậu ở Bảo Lộc, Bảo Lâm có đặc điểm chung là không có giấy chứng nhận đầu tư dự án bất động sản, không được cấp phép thi công đường, san gạt đất, không phép đấu nối với đường giao thông hiện hữu...
Gom đất trồng cây lâu năm
Một số vùng ven của Hà Nội, các khu đất ở nông thôn, đất ở kết hợp đất trồng cây lâu năm cũng đang được mua gom có diện tích từ 5.000 - 10.000 m2, sau đó làm đường vào để phân lô bán nền.
Tại địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Sơn Tây, Ba Vì có hàng trăm khu đất được phân lô bán nền tự phát, nhân viên môi giới rao bán công khai trên Zalo, Facebook, và các trang tin điện tử do các cá nhân, công ty môi giới trên địa bàn lập ra.
Xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Phúc những ngày cuối năm 2020, đầu năm 2021 bỗng sôi động và thu hút giới đầu tư bất động sản tìm đến để “săn lùng” những khoảng đất rộng, có vị trí đẹp để thực hiện việc chia tách thửa đất thành từng ô có diện tích khoảng 100 m2 rồi rao bán.
Cách thức chuyển đổi đất của giới đầu tư tìm đến xã Hướng Đạo khá giống nhau, họ tìm một khoảng đất đủ rộng, có vị trí gần các điểm công cộng tại địa phương. Sau khi tìm được khoảng đất ưng ý, người đầu tư mua gom các ô đất thành một mảnh lớn, sau đó xây dựng các đường nội bộ bằng bê tông rồi thực hiện việc chuyển đổi đất, phân lô và làm thủ tục tách thửa.
Thôn Dộc Lịch, xã Hướng Đạo những ngày tháng 4/2021 bỗng “nổi như cồn” khi một mảnh đất rộng hơn 9.000 m2 được chia thành 82 ô đất được kẻ vẽ trên thực địa rồi rao bán với giá 3-4 triệu đồng/m2. Nhìn trên bản đồ của người môi giới cung cấp, việc kẻ vẽ các ô đất rải đều trên khoảng đất rộng lớn không khác gì một khu đô thị. Chỉ khác, đây là một khu đô thị nằm trên một ngọn đồi thoai thoải, giữa bốn bề là cây cối của vùng nông thôn huyện Tam Dương.
Không chỉ riêng địa bàn huyện Tam Dương, các huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng ghi nhận số lượng tách thửa tăng cao. Chỉ tính từ tháng 1/2020 đến 20/4/2021 đã có 3.882 thửa được tách. Đáng chú ý, có trường hợp một hộ dân có đất tách từ 1 thửa thành 82 thửa mới.